Bong da

Châu Mỹ

Ở Brazil, Pele còn xếp dưới Garrincha

Cập nhật: 07/02/2013 10:46 | 0

Pele là "Vua bóng đá", là người được cả thế giới tôn vinh như cầu thủ vĩ đại nhất trong toàn bộ lịch sử túc cầu giáo. Nhưng ngay tại quê hương Brazil, Garrincha chứ không phải "Vua" Pele mới là danh thủ được người dân xứ sở Samba yêu thích nhất. Tại sao lại có sự lạ đời như thế?

Ở Brazil, Pele còn xếp dưới Garrincha
Ở Brazil, Pele còn xếp dưới Garrincha

NHỮNG THƯỚC PHIM CÂM TUYỆT VỜI CỦA GARRINCHA
Khi Garrincha qua đời vào tháng 1/1983 và giới cầm bút thi nhau viết về sự nghiệp bóng đá của ông, tất cả mới chợt nhận ra một sai lầm lớn, không thể sửa chữa: chẳng ai kịp phỏng vấn Garrincha một cách tường tận. Giới nghiên cứu lịch sử bóng đá luôn ghi nhận một đặc điểm rất rõ, và rất lạ, của Garrincha: ông hầu như không bao giờ phát biểu trên mặt báo.

Thế nên, những tác phẩm bóng đá ghi lại cuộc đời Garrincha chẳng khác gì một bộ phim câm của Charlie Chaplin. Hình ảnh quyết định tất cả, và cũng chỉ cần hình ảnh là quá đủ rồi! Garrincha không bao giờ nói, còn thế giới thì lại tán thưởng, bật cười khoan khoái khi xem những gì ông "nói" bằng chân.

Hoàn toàn trái ngược với Garrincha, đặc điểm nổi bật của Pele là ông luôn nói, ở mọi lúc, mọi nơi, về mọi đề tài. Năm 1969, khi Pele ghi được bàn thắng thứ 1.000 trong sự nghiệp tại SVĐ nổi tiếng Maracana, báo chí ùa vào phỏng vấn. Ngay khoảnh khắc ấy, Pele không hề cảm ơn đồng đội hay tuyên bố tặng bàn thắng cho bất cứ người thân nào.

Ông tỏ ra trịnh trọng: "Chúng ta hãy chăm sóc trẻ em. Người dân Brazil đừng bao giờ quên trẻ em!". Sau một thoáng lặng im như thể không tin vào tai mình, các nhà báo vây quanh bật cười hô hố. Đấy là phát biểu thiệt tình của một cầu thủ, hay là một bài diễn văn đã được chuẩn bị sẵn?

Cũng vì "nói nhiều" mà Pele bị cấm xuất hiện một cách chính thức tại VCK World Cup, khi Joao Havelange còn giữ ghế chủ tịch FIFA. Chẳng phải nhắc thêm để giới hâm mộ nhớ lại: Pele không chỉ là "Vua bóng đá", mà còn là vua... dự đoán sai, trong mọi sự kiện bóng đá.

Đấy chỉ là một trong rất nhiều khác biệt lớn giữa hai cầu thủ Brazil vĩ đại nhất xưa nay. Tuy đều vô địch World Cup 1958, 1962 và đều đi vào huyền thoại, nhưng Garrincha và Pele khác nhau đến mức gần như đối lập trong mọi phương diện.

Trước thềm World Cup 1990, Falcao kêu gọi Pele "làm ơn im miệng, để Selecao tập trung tinh thần vào việc chơi bóng". Ronaldo tức giận trước những lời bình luận của Pele đến nỗi anh tuyên bố sẽ lập kỷ lục ghi bàn trên sân cỏ World Cup, và rút  cuộc Ronaldo làm được điều ấy tại World Cup 2006.

HAI HUYỀN THOẠI TRÁI NGƯỢC
Pele sở hữu một thân hình thể thao "chuẩn không cần chỉnh". Ông có sự mềm dẻo của một VĐV thể dục, sức mạnh của một võ sĩ quyền Anh, tốc độ của một tay đua nước rút, và nền tảng kỹ thuật tuyệt luân. Garrincha thì mang hình hài của một con người nhỏ thó, tật nguyền, cả đời chỉ đến phòng tập thể dục không quá chục lần.


Bố Pele là một cầu thủ chuyên nghiệp nhưng kém tài nên phải chịu đựng cuộc sống nghèo nàn, và Pele do vậy đã luôn ý thức từ bé về cuộc đời cầu thủ chuyên nghiệp. 15 tuổi, ông đã xa nhà để nuôi mộng bóng đá. Garrincha thì chỉ đến với bóng đá chuyên nghiệp một cách tình cờ sau khi đã có vợ con, đã làm công nhân, và nói đúng hơn thì ông bị "lôi" vào bóng đá chuyên nghiệp.

Pele làm gì cũng có kế hoạch, có cố vấn. Bản thân ông đã là một kế hoạch lớn. Garrincha không bao giờ có kế hoạch gì, từ cuộc sống cho đến bóng đá. Không ai huấn luyện được Garrincha.

Ở thời kỳ mà ngay cả châu Âu vẫn còn "ngây thơ", chỉ biết tập trung vào các vấn đề chuyên môn chứ rất mù mờ về khái niệm thương mại hóa bóng đá, thì Pele đã biết đăng ký nhãn hiệu độc quyền. Hồi đầu những năm 1970, "Pele" là nhãn hiệu được biết đến nhiều thứ hai ở châu Âu, chỉ đứng sau "Coca-Cola".

Garrincha thì chưa bao giờ lưu ý xem bản hợp đồng của mình với CLB Botafogo viết gì trong đó. 4 thập kỷ sau khi kết thúc sự nghiệp đỉnh cao, Pele vẫn còn ký được hợp đồng quảng cáo bộn bạc với... Viagra. Garrincha thì đã rơi vào túng quẫn ngay khi ông còn chơi bóng, và chết trong đói nghèo.

Chẳng phải những người xung quanh không muốn giúp Garrincha. Ông từng được rước sang Roma làm đại sứ cho một nhãn hiệu cà phê Brazil nổi tiếng. Việc của Garrincha chỉ là bắt tay và trả lời vài câu hỏi ngắn khi có sự kiện đình đám.

HÌNH ẢNH MẪU MỰC NHẤT
Chẳng phải người dân Brazil ghét Pele. Ngược lại là đằng khác. Hồi năm 1999, Pele từng bị bọn cướp dừng xe, chĩa súng vào đầu. Khi nhận ra nạn nhân, bọn cướp lật đật rút êm. Chúng "tha" cho "Vua bóng đá" chứ không phải sợ. Bằng cớ là ngay sau đó, Romario cũng bị chặn xe. Nhưng anh phải ngoan ngoãn bước khỏi chiếc Mercedes, cuốc bộ về nhà sau khi bỏ lại trong xe toàn bộ tiền bạc, đồ trang sức và điện thoại.

Người dân Brazil tôn thờ Pele, nhưng họ lại yêu Garrincha. Nhà báo nổi tiếng Alex Bellos của tờ Guardian và The Observer từng xác nhận sau hàng chục năm sống ở Brazil, khi hỏi đâu là cầu thủ tuyệt vời nhất trong lịch sử bóng đá Brazil, ông thường nhận được câu trả lời: Garrincha.

Kể cả khi ông cẩn thận hỏi lại và có nhắc đến Pele, câu trả lời phổ biến vẫn cứ là Garrincha. Alex Bellos kết luận: người ta bầu Garrincha theo tiếng nói của trái tim. Ngay trên xứ sở Samba, Pele không được yêu như cái cách mà công chúng yêu Garrincha.

Cả Garrincha lẫn Pele đều làm cho Brazil tự hào. Nhưng Garrincha mới là hình ảnh mẫu mực nhất mà giới hâm mộ Brazil ưa thích. Ông chơi bóng bằng niềm vui, chơi một cách tự nhiên, và cũng đem lại niềm vui cho công chúng một cách tự nhiên. Garrincha chỉ biết chơi bóng và ông không quan tâm đến bất cứ điều gì khác trên đời.

Điều mấu chốt là Garrincha không bao giờ lạm dụng bóng đá. Nên nhớ: nếu như người Đức xem quả bóng là công cụ lao động, người Hà Lan xem quả bóng là công cụ nghệ thuật, thì người Brazil lại xem quả bóng là tình nhân. Garrincha dù có buông thả đến đâu đi nữa, ông không bao giờ ruồng rẫy hay lạm dụng tình nhân của mình - cả trong lẫn ngoài sân cỏ!

Thật ra, trên hết vẫn là sự xuất sắc rõ ràng của Garrincha. Tại World Cup 1958, Pele làm nên một hiện tượng chủ yếu vì ông hãy còn quá trẻ (chưa tròn 18 tuổi). Garrincha khi ấy đã ở đỉnh cao phong độ, và khi cặp Garrincha - Pele lần đầu tiên xuất hiện trên sân cỏ World Cup thì Brazil bắt đầu thắng như chẻ tre. Cầu thủ số 1 Brazil khi ấy thật ra là Didi, với tầm ảnh hưởng vượt trội so với tất cả.

Khi Brazil bước vào World Cup 1962 thì thế hệ Didi, Vava, Nilton Santos, Djalma Santos, Zagallo... đều đã già nua. Pele chỉ chơi mỗi trận ra quân, rồi chấn thương. Một mình Garrincha tỏa sáng để giúp Brazil bảo vệ vương miện, giống như Diego Maradona với đội Argentina tại World Cup 1986. Garrincha xuất sắc như thế, đáng yêu như thế, cũng tội nghiệp như thế. Ông có quá nhiều chỗ mà "Vua bóng đá" Pele không thể sánh được!

Có người từng hỏi Garrincha xem cái nhãn hiệu cà phê mà ông quảng cáo ngon ở chỗ nào. Huyền thoại bóng đá trả lời một cách tự nhiên, hệt như cách chơi bóng của ông: "Không biết, tôi chưa uống bao giờ. Nhưng tôi có thể nói về cachaca. Tuyệt vời"! Cachaca? Đấy là loại rượu truyền thống cực mạnh, từng làm hại cả Garrincha lẫn bố ông!

Nguồn bongdaplus.vn