Bong da

Hợp Pháp Cá Cược

Cờ bạc dưới góc độ pháp lý và truyền thống dân tộc

Cập nhật: 10/03/2012 09:55 | 0

Bài viết "Không nên mở sòng bạc tại Việt Nam" đã phân tích vấn đề dưới góc độ kinh tế - xã hội và tính giai cấp trong pháp luật. Nay xin phân tích vấn đề dưới góc độ khoa học pháp lý và truyền thống văn hóa dân tộc.

 

Thiết nghĩ tranh luận với ý thức xây dựng là cần thiết để giải quyết những khác biệt, nên việc chúng ta cùng nêu quan điểm về vấn đề có nên hợp pháp hóa cờ bạc hay không là cần thiết.

 

Chúng ta cùng trả lời câu hỏi: Liệu có nên hợp pháp hóa hành vi cờ bạc khi hành vi này diễn ra phổ biến như: người dân sang Campuchia đánh bạc, cá cược bóng đá tràn lan, đua ngựa?… Liệu có nên hợp pháp hóa cờ bạc khi chủ đầu tư nước ngoài hứa sẽ đầu tư hàng tỷ USD vào các dự án casino?

 

Dưới góc độ của truyền thống văn hóa dân tộc

 

Tại sao câu “Cờ bạc là bác thằng bần” lại được lưu truyền qua nhiều thế hệ như vậy? Cha ông ta có sai lầm khi lưu truyền câu tục ngữ này không? Hay thời đại ngày nay đã thay đổi làm cho câu tục ngữ này không còn đúng nữa nên chúng ta có thể hợp pháp hóa cờ bạc?

 

Hay tương lai thay đổi làm cho câu tục ngữ này không còn đúng nữa nên chúng ta có thể hợp pháp hóa cờ bạc?

 

Nếu không có câu trả lời thỏa đáng cho những câu hỏi này thì chúng ta không thể hợp pháp hóa cờ bạc, bởi vì việc hợp pháp hóa cờ bạc là không có cơ sở khoa học và những người liên quan đến việc này phải chịu trách nhiệm về những cá nhân, gia đình bị bần cùng hóa (“thằng bần”) do cờ bạc hợp pháp gây ra.

 

Dưới góc độ pháp lý

 

Pháp luật hiện hành nghiêm cấm hành vi đánh bạc và tổ chức đánh bạc là có căn cứ khoa học. Chỉ khi nào chứng minh được các căn cứ này không còn đúng nữa do bản chất quan hệ xã hội mà pháp luật điều chỉnh đã thay đổi thì mới có thể hợp pháp hóa hành vi đánh bạc theo hướng đúng hơn.

 

Pháp luật hiện hành có nhiều văn bản liên quan đến hành vi đánh bạc. Trong đó, văn bản liên quan đến quyền nhân thân nhiều nhất là Bộ luật hình sự thể hiện qua các quy định sau:

 

Khoản 1 điều 248 Bộ luật hình sự hiện hành quy định về Tội đánh bạc: “Người nào đánh bạc dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật có giá trị lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này và Điều 249 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.”

 

Khoản 1 điều 249 Bộ luật hình sự hiện hành quy định về Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc như sau: “Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc với quy mô lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này và Điều 248 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến ba trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm”.

 

Theo quy định nêu trên, pháp luật nghiêm cấm đánh bạc và tổ chức đánh bạc dưới bất kỳ hình thức nào. Vì đánh bạc là tệ nạn xã hội phức tạp, gây mất trật tự xã hội, ảnh hưởng đến cuộc sống của cá nhân, gia đình và hoạt động bình thường của xã hội.

 

Việc phát hiện, xử lý cũng như đấu tranh loại trừ tệ nạn này ra khỏi đời sống xã hội là việc làm hết sức khó khăn, phức tạp. Bao nhiêu xương máu của các chiến sĩ công an và quần chúng đấu tranh với loại tệ nạn này từ trước đến nay sẽ uổng phí nếu hành vi đánh bạc và tổ chức đánh bạc được hợp pháp hóa.

 

Cơ sở khoa học của việc hợp pháp hóa hành vi đánh bạc và tổ chức đánh bạc là gì? Tính hợp lý và tính hợp pháp của việc hợp pháp hóa hành vi đánh bạc nằm ở đâu?

 

Nghĩa vụ trả lời các câu hỏi nêu trên thuộc về những người muốn hợp pháp hóa hành vi đánh bạc và tổ chức đánh bạc.

 

Ai muốn hợp pháp hóa hành vi đánh bạc và tổ chức đánh bạc thì người đó có nghĩa vụ chứng minh những căn cứ khoa học của pháp luật hiện hành không còn đúng nữa.

 

Vo Minh Huan

vnexpress.net