Bong da

VFF - AVG - VPF

Kỷ lục buồn của trọng tài V-League 2012

Cập nhật: 16/03/2012 10:43 | 0

Không chỉ nhận mức thù lao cao nhất trong lịch sử, sau 9 vòng V-League 2012, các ông vua áo đen còn lập kỷ lục với 10 lỗi nghiêm trọng bị phản ứng dữ dội.

Đầu mùa, VPF cam kết sẽ đảm bảo mức thu nhập cho mỗi trọng tài không dưới 30 triệu đồng mỗi tháng. Đây là mức thu nhập công khai cao nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Trên thực tế, mỗi trọng tài chính ở V-League nhận 8 triệu đồng tiền nhiệm vụ một trận chưa kể phí di chuyển, ăn ở. Các trợ lý nhận mức 6 triệu đồng mỗi trận.

 

Không chỉ bảo đảm thu nhập, VPF còn sắm thiết bị hiện đại cho giới còi cờ, giúp các trọng tài chính, trợ lý, trọng tài bàn có thể dễ dàng liên lạc với nhau trong trận đấu.

 

"Còi vàng" Minh Trí rút thẻ đỏ, rồi bẻ còi thu hồi lại thẻ. Ảnh: VSI.

 

Thu nhập cao kỷ lục, trang bị hiện đại, nhưng nghịch lý là sai phạm của trọng tài lại xuất hiện nhiều hơn. Nếu tính trung bình, số sai sót của các trọng tài ở mức độ nghiêm trọng thừa đủ chia cho mỗi vòng đấu một lỗi.

 

Ngay vòng đấu thứ ba, đội Khánh Hòa đã kêu trời về những quyết định của trọng tài Bùi Quang Thông trong trận đội này thua CLB Hà Nội 1-4 ở sân Hàng Đẫy. Theo cáo buộc của HLV Hoàng Anh Tuấn đội Khánh Hòa, trọng tài Thông kém cả năng lực lẫn tư cách. Ông Tuấn sau đó còn tố trọng tài Thông từng bị treo giò vô thời hạn vì dính vào một vụ tiêu cực hồi còn là cầu thủ của đội Thanh Hóa. Ban trọng tài VFF sau đó đã mở cuộc điều tra. Kết quả là trọng tài Thông bị treo còi vĩnh viễn.

 

Vòng 7 trên sân Lạch Tray, trợ lý Đỗ Mạnh Hà tước một bàn thắng hợp lệ của Bebbe ghi cho Sông Lam Nghệ An.

 

Cùng thời điểm đó, ở sân Ninh Bình, Hà Nội T&T bị trọng tài Nguyễn Văn Đông phạt quả 11m oan uổng, bởi pha phạm lỗi của hậu vệ Quốc Long với Văn Duyệt của Ninh Bình diễn ra bên ngoài vòng cấm.

 

Cũng ở vòng 7, trên sân Hàng Đẫy, trọng tài Đỗ Quốc Hưng khiến SHB Đà Nẵng nổi khùng trong trận hòa 3-3 với CLB Hà Nội. Pha đi bóng của Thành Lương bên phía CLB Hà Nội bị Duy Lam của SHB Đà Nẵng chặn lại trong vòng cấm. Ông Hưng ban đầu xua tay cho trận đấu tiếp tục nhưng liền sau đó lại thổi phạt 11m SHB Đà Nẵng đồng thời rút thẻ vàng thứ hai với Duy Lam. Pha quay chậm sau đó cho thấy, Thành Lương đã ngã vờ và quyết định của ông Hưng là sai.

 

Vòng 8, cả Hà Nội T&T và Hải Phòng đều kêu oan vì những quyết định của trọng tài Đinh Văn Dũng. Hải Phòng cho rằng, tình huống ghi bàn thứ hai của Văn Quyết cho Hà Nội T&T là “bàn thắng ma” bởi một đồng đội của Quyết đã việt vị trước đó. Trong tình huống Đình Tùng gỡ lại bàn danh dự cho Hải Phòng, đồng đội của anh là tiền đạo Fargan đã phạm lỗi với thủ môn Hồng Sơn của chủ nhà.

 

Vòng 9 trên sân Pleiku, Hoàng Anh Gia Lai phản ứng dữ dội trọng tài Nguyễn Phi Long vì cho rằng tay còi này bỏ qua hai quả 11m mười mươi của họ trong trận hòa Ninh Bình 0-0.

 

Trên sân Chi Lăng cùng vòng này, SHB Đà Nẵng bị mất hai điểm oan uổng khi trọng tài Hoàng Anh Tuấn công nhận bàn thắng được ghi trong thế việt vị của tiền đạo Oseni, gỡ hòa cho Kiên Giang.

 

Tại Thanh Hóa, trọng tài FIFA Võ Minh Trí trở thành tâm điểm với hành động “bẻ còi”. Ông Trí ban đầu rút thẻ vàng thứ hai với Hữu Phước của Hải Phòng đồng thời cho Thanh Hóa hưởng quả 11m. Sau khi tham khảo trợ lý Nguyễn Toàn Thắng, ông Trí hủy thẻ vàng thứ hai với Hữu Phước, cho Hải Phòng hưởng quả phát bóng lên.

 

10 lỗi trọng tài nghiêm trọng sau 9 vòng đấu là kỷ lục mới của bóng đá Việt Nam. Ở V-League 2011, sau 9 vòng, chỉ có 5 trọng tài mắc sai lầm.

 

 

Điều đáng lo ngại là sai phạm của trọng tài có dấu hiệu tăng đột biến. Sáu vòng đấu đầu tiên chỉ có hai trọng tài mắc sai sót nhưng ba vòng gần nhất (7, 8 và 9), có tới 8 lỗi lớn. Từ trọng tài có “mác” FIFA tới trọng tài trẻ đều mắc sai sót.

 

Theo chuyên gia Nguyễn Văn Vinh, đã đến lúc gióng lên hồi chuông báo động về chất lượng trọng tài Việt Nam: “Không phải mùa này trọng tài mới có sai sót. Chuyện sai sót của các ông “vua áo đen” xuất hiện như cơm bữa. Đây là hậu quả của công tác đào tạo trì trệ bao năm nay. Các trọng tài không được trang bị tốt về thể lực, bản lĩnh và vì thế rất dễ sai. Ngay lập tức, cần xác định rõ nguyên nhân sai phạm xem từ chuyên môn hay từ tư tưởng, rồi ra những giải pháp dứt điểm. Nếu không giải quyết rốt ráo được, nên tính đến chuyện mời trọng tài ngoại, nhưng cũng chỉ là giải pháp tức thời. Về lâu dài, phải xem lại khâu tuyển chọn, đào tạo xem lỏng ở chỗ nào. Với các xử lý, Ban trọng tài cũng không thể cứ bênh “người nhà” theo kiểu đóng cửa bảo nhau mãi được, phải nhìn thẳng mới ra vấn đề”.

Khoa Nguyễn

vnexpress.net

,