Bong da

Anh

ĐT Anh: Căn bệnh “sướng quá”

Cập nhật: 27/03/2015 13:57 | 0

Đội tuyển Anh nhờ sức mạnh của truyền thông trong nước và ảnh hưởng của Premier League nên luôn được chú ý, dù trong gần 2 thập kỷ qua, thành tích quốc tế của Tam sư thua cả… Hàn Quốc.

ĐT Anh: Căn bệnh “sướng quá”
ĐT Anh: Căn bệnh “sướng quá”
Đội bóng châu Á từng vào đến bán kết World Cup 2002, trong khi Anh sẽ giành vé dự VCK EURO 2016 để kỷ niệm tròn 20 năm kể từ lần cuối cùng lọt vào bán kết một giải đấu lớn.

Tại VCK EURO 1996, Anh với lợi thế sân nhà đã vào đến bán kết. Nhưng ở trận khai mạc giải, Tam sư đã bị Thuỵ Sỹ cầm hoà 1-1. Bóng đá không phải đặc sản của quốc gia này, còn Roy Hodgson (HLV của Thuỵ Sỹ khi ấy) chỉ là cái tên vô danh. Cách đây 19 năm, ước mơ của Hodgson là một ngày nào đó được dẫn dắt đội tuyển quê nhà. Khi đó, bài hát “Giấc mơ chỉ là giấc mơ” chưa ra đời, còn cô ca sĩ chân dài nổi tiếng với bài hát ấy chỉ là cô bé mộng mơ chưa đến tuổi phổ thông trung học. Nhưng, nếu có thể, Hodgson sẽ hát bài “Giấc mơ chỉ là giấc mơ”.

Mãi 16 năm sau, giấc mơ không còn là giấc mơ nữa. Hodgson trở thành tân HLV đội tuyển Anh, nhờ hàng loạt sự cố bất ngờ: Fabio Capello từ chức, ứng viên số 1 thay Capello là Harry Redknapp lại bận bịu với Tottenham nên không chịu làm HLV Tam sư. Thế là vào tháng 5/2012, Hodgson (từ vai trò HLV đội bóng làng nhàng West Brom) trở thành nhà cầm quân tuyển Anh. 


Người Anh chọn Hodgson sau thất bại ở các giải lớn trước đó với những HLV ngoại cự phách như Sven Goran Eriksson hay Capello. Tam sư là đội bóng cực kỳ khó hiểu khi bất chấp lợi thế binh hùng tướng tài, đội bóng ấy luôn gây thất vọng ở các giải lớn. 

Dường như là sự chấp nhận số mệnh (dù chắc chắn không phải như vậy!), bóng đá Anh chỉ tìm vui với các CLB ở Premier League, còn ở tầm đội tuyển thì tâm lý chung là “thôi kệ, được đến đâu hay đến đó!”. 

Kết quả là tuyển Anh phung phí nhiều thế hệ cầu thủ tài năng, trong đó có những ngôi sao hàng đầu thế giới. Lỗi phần chính cũng tại họ bởi ở đội tuyển, phong độ của các siêu sao Tam sư không tốt như ở CLB. Cầu thủ Anh nhận lương cao, khán giả Anh đến đầy ắp sân mặc dù đội bóng của họ xuống hạng (như trường hợp Blackburn của Brian Kidd, người thay… Hodgson bị sa thải, rớt hạng năm 1999), FA vẫn cố gắng “bảo vệ” Hodgson dù tuyển Anh bị loại ngay sau vòng bảng World Cup 2014.

Đó chính là căn bệnh “quá sướng nên không chịu phấn đấu” của bóng đá Anh. Cũng giống như câu chuyện những cậu học trò giỏi thường là vì hoàn cảnh sống quá khó khăn nên bắt buộc phải vươn lên, nhưng một doanh nhân xuất thân là con nhà giàu nhưng lại học rất giỏi từng nói: “Nếu có điều kiện và lại chịu khó học, tất yếu bạn sẽ học giỏi hơn những đứa bạn con nhà nghèo”.

Người Anh dùng lý do đó để tự an ủi vì sao các cầu thủ Nam Mỹ đến từ Brazil hay Argentina đá bóng giỏi hơn cầu thủ Anh. Hodgson cũng phớt lờ dư luận khi chọn Andros Townsend và Kyle Walker trong khi lại bỏ rơi Ashley Young. Rồi một tuyển thủ Anh khen Hodgson dễ chịu, chê Capello khó chịu vì “nếu tôi muốn ăn tương cà chua, Capello sẽ không cho nhưng Hodgson thì sẵn sàng!”. 

Thế đấy, người Anh làm bóng đá cấp CLB giỏi nhưng lại xoàng ở cấp đội tuyển. Cũng bởi, giới hâm mộ Anh chẳng chịu ném cà chua thối khi đội tuyển chơi dưới sức, mà cứ thản nhiên để anh chàng ngôi sao kia ăn gà rán với tương cà chua một cách ngon lành!


(báo bóng đá)