Bong da

Anh

Harry Kane: Cũ mà... mới

Cập nhật: 24/05/2015 00:01 | 0

Harry Kane không phải cầu thủ mới của Tottenham trong mùa giải 2014/15, nhưng anh gần như là món quà từ trên trời rơi xuống dành cho Spurs.

Harry Kane: Cũ mà... mới
Harry Kane: Cũ mà... mới
Trường hợp của Kane một lần nữa khẳng định chân lý: có những bản hợp đồng không được thực hiện lại chính là những bản hợp đồng tuyệt vời nhất. Đó cũng là bài học không hề mới trong chuyển nhượng, nhưng thật khó để quán triệt và thực hiện hiệu quả bài học này. 
 
Hãy trở lại với Kane. Bạn có biết suýt chút nữa Kane đã là cầu thủ của Sociedad? HLV David Moyes của CLB Tây Ban Nha từng bí mật mời Kane nhưng rốt cuộc Tottenham đã không phạm sai lầm lịch sử. Quay lại quá khứ nếu Kane rời Tottenham đến Sociedad, sẽ chẳng ai ngạc nhiên và cũng chẳng ai nhắc tới “hiện tượng” Harry Kane ở giải Ngoại hạng Anh mùa này. Không phải Tottenham hay mà may thì đúng hơn, còn Kane cũng may khi không rời sân White Hart Lane sau khi phải… xuống làm thủ môn trong một trận chính thức của Spurs ở Europa League. Ở trận Tottenham gặp Tripoli (Hy Lạp) hôm 23/10 năm ngoái, do thủ môn Hugo Lloris bị thẻ đỏ trong hoàn cảnh Spurs đã thay đủ 3 người, bắt buộc phải có một cầu thủ trên sân thay Lloris giữ gôn. Kane chấp nhận vai trò này, và anh đã thủng lưới một bàn từ pha sút phạt của Barrales trong 3 phút làm thủ môn bất đắc dĩ. 
 
Từ thủ môn bất đắc dĩ đến chân sút xuất sắc hàng đầu của bóng đá Anh trong mùa giải 2014/15, Kane là hiện tượng kỳ thú, là của hời của Tottenham (sau 23 năm, Spurs mới lại có một cầu thủ ghi 30 bàn/mùa, sau Gary Lineker ở mùa 1991/92) và là… niềm hy vọng của nhiều đội bóng khác. 
 
 
Từ Harry Kane đến David Moyes đến Marouane Fellaini, có mối quan hệ gì đây? Fellaini cũng là dạng Cũ mà mới như Kane, và Moyes có quyền tự hào vì chính ông đã mua cầu thủ người Bỉ cho M.U. Fellaini là nỗi thất vọng cực kỳ mùa trước, nhưng là một trong những người hùng của Quỷ đỏ mùa này. Từ trường hợp của Fellaini, hy vọng sẽ đến với Angel Di Maria và Radamel Falcao? Một tân binh có thể là nỗi thất vọng lớn ở mùa đầu tiên, nhưng ở mùa thứ hai sẽ là thành công khởi đầu rồi tiếp nối là thành công. 
 
Thật ra, để thành công trên sân cỏ Anh là điều không đơn giản. Có những trường hợp rất khó giải thích, ví dụ thất bại của Andriy Shevchenko và Hernan Crespo ở Chelsea. Hoặc như Fernando Torres thành công rực rỡ ở Liverpool nhưng lại là thảm họa của Chelsea. Những ví dụ đó đặt lại một vấn đề quan trọng ảnh hưởng lớn đến kế hoạch chuyển nhượng của các CLB lớn: mua một ngôi sao không phải chỉ để đua đòi, để “bằng chị bằng em”, mà còn phải có trách nhiệm giúp ngôi sao ấy thành công. Alexis Sanchez cũng từng gặp khó khăn trước khi toả sáng nhờ được Arsene Wenger đặt đúng chỗ.
 
Có những “tân binh” là người cũ đã toả sáng rực rỡ, hoặc giúp CLB thành công lớn. Ngoài Fellaini (suýt bị bán sang Napoli hồi đầu mùa), Kane còn phải kể đến John Terry, nhiều lần suýt sang Fenerbahce nhưng Jose Mourinho đã cương quyết giữ chân anh. Chính Mourinho đã học được một bài học đắt giá trong tư cách “kẻ hưởng lợi” cách đây 6 năm. Khi đó, Barcelona mua Zlatan Ibrahimovic của Inter bằng cách “gả” Samuel Eto’o kèm 46 triệu euro chỉ vì Pep Guardiola “có cảm giác Ibra hay hơn Eto’o”. Kết quả là Eto’o (ghi 36 bàn, vừa giúp Barca giành cú “ăn ba” La Liga, Champions League, Cúp Nhà Vua) đã giúp Inter giành cú “ăn ba” ở mùa 2009/10, trong đó chính Inter đánh bại Barca của Ibra, Pep ở bán kết Champions League. Sai lầm lịch sử của Pep góp phần tạo nên cú du kích ngoạn mục của Mou!
 


(báo bóng đá)