Bong da

Tây Ban Nha

Đòn độc của Pep & màn tự sát của Mou

Cập nhật: 25/10/2014 15:57 | 0

Trong vòng chỉ hơn 1 năm (2009-2010), Real Madrid phải hứng chịu 2 cuộc thảm sát từ binh đoàn của Pep Guardiola. Một trận thua với tỷ số của một séc tennis (2-6) hồi 2009 và một trận thua 0-5 mà báo chí gọi là “bàn tay nhỏ” vào năm 2011. Phía sau 2 trận El Clasico lịch sử ấy là những bí mật gì?

Đòn độc của Pep & màn tự sát của Mou
Đòn độc của Pep & màn tự sát của Mou
MESSI & CUỘC CÁCH MẠNG VỊ TRÍ
Một trong những “đặc sản” của Pep thuở còn ở Barca là sử dụng Messi như một “số 9 rưỡi”. Từ cánh phải, Messi được Pep dời vào trung lộ đá như một trung phong ảo và được khuyến khích dứt điểm nhiều hơn. Kết quả là Messi không chỉ trở thành chân sút vĩ đại nhất trong lịch sử các trận El Clasico (21 bàn) mà còn là chân sút số 1 qua mọi thời đại của Barca.
 
Mọi chuyện khởi nguồn từ một trận El Clasico vào ngày 2/5/2009 ở Bernabeu, Real quyết tâm hạ Barca để giành lấy ngôi đầu bảng và tiến đến chức vô địch. Nhưng khi trận đấu trôi qua được 10 phút, Pep ra tín hiệu cho Messi và Samuel Eto’o đổi vị trí. 
 
Eto’o vốn là một trung phong đã di chuyển sang cánh phải và Messi chiếm lấy trung lộ, ở vị trí lơ lửng giữa một tiền vệ công và một tiền đạo. Christoph Metzelder và Fabio Cannavaro hoàn toàn mất phương hướng trước sự thay đổi ấy. Họ chứng kiến khung thành của Iker Casillas lần lượt bị đối phương dội đến 6 bàn và tạo ra vô khối cơ hội khác.
 
Metzelder nhớ lại: “Tôi nghĩ đấy là lần đầu tiên Pep sử dụng cách chơi với số 9 ảo. Khi Eto’o và Messi hoán đổi vị trí, tôi và Cannavaro đã nhìn nhau và tự hỏi: Làm gì bây giờ đây? Theo Messi về giữa sân hay giữ vị trí trước khung thành. Chúng tôi không có đối sách nào để kiểm soát được cậu ấy”.
 
Barca tiến đến chức vô địch La Liga đầu tiên dưới thời Pep Guardiola, nhưng quan trọng hơn, Pep đã đi bước đầu tiên trong việc thay đổi hoàn toàn vai trò của Messi. Số 9 ảo sau đó đã đi vào lịch sử như một trong những cách tân vĩ đại nhất của Pep. Trước Messi, đã có Michael Laudrup, Francesco Totti chơi ở vị trí này. Nhưng chỉ có Messi mới thật sự khiến số 9 ảo trở thành một vị trí đặc dụng để mở toang mọi khung thành.
 
 
Pep ra quyết định táo bạo ấy vào 1 ngày trước trận đấu, thứ Sáu 1/5/2009, ngay tại đại bản doanh của đại kình địch. Đây là một thói quen mà Pep giữ khi đã sang Bayern, ông luôn dành trọn 1 ngày trước trận đấu trong văn phòng, nghe nhạc và nghĩ về cách tiếp cận trận đấu. 
 
Lần ấy cũng thế. Trước một đối thủ đang có mạch 17 trận bất bại, Pep buộc phải có “đặc sản” nếu muốn chặn bước tiến của họ. Xem kỹ băng ghi hình, ông để ý thấy hàng tiền vệ của Real và cặp trung vệ Cannavaro - Metzelder có khoảng cách khá xa. Nếu như tuyến giữa luôn có xu hướng dâng cao để tranh chấp thì hàng thủ lại luôn đứng gần Casillas. 
 
Đã 10 giờ đêm và Pep vẫn một mình trong văn phòng, rồi một ý nghĩ lóe lên. Ông lập tức bốc điện thoại gọi ngay cho Messi, khi ấy đang ở một khách sạn gần đấy:
 
- Leo à, Pep đây. Tôi vừa nghĩ ra một việc quan trọng, thật sự quan trọng. Sao cậu không đến đây nhỉ. Một chút thôi, ngay nhé.
10 giờ 30 có tiếng gõ cửa, chàng trai 21 tuổi Messi bước vào. Pep cho anh xem qua đoạn video, dừng lại và chỉ ra khoảng trống khá lớn ngay trước vòng cấm Real. Ông muốn Messi tận dụng khoảng cách ấy. Từ đấy trở đi, đấy là “vùng Messi”.
 
- Ngày mai tôi muốn cậu cứ xuất phát ở cánh như thường lệ. Nhưng khi nhận tín hiệu thì lập tức di chuyển vào khu vực này, giống như ta đã từng thử ở Gijon hồi tháng 9.
 
Pep yêu cầu Messi giữ bí mật này cho đến khi trận đấu diễn ra. Không một ai biết ý tưởng này cho đến khi Pep nói với trợ lý Tito Vilanova ngày hôm sau. Chỉ vài phút trước khi bóng lăn, Pep mới kéo Xavi và Iniesta ra một góc và nói với họ:
 
- Khi thấy Leo xuất hiện ở khoảng trống trước vòng cấm, đừng chần chừ gì cả. Hãy chuyền bóng cho cậu ấy.
 
Kết quả thật mỹ mãn. Barca hủy hoại hoàn toàn lối chơi và tinh thần của Madrid. Juande Ramos phải rời Real vào cuối mùa. Ông đã làm cực tốt nhiệm vụ được giao, nhưng thất bại trước Barca đã phá hỏng toàn bộ công sức của đội bóng.
 
“BÀN TAY NHỎ” TẠI NOU CAMP
Sau khi Juande Ramos ra đi, Florentino Perez chính thức trở lại ghế Chủ tịch và thi hành chính sách “Galacticos 2.0” với các siêu sao Kaka, Cristiano Ronaldo, Karim Benzema... được mang về. Nhưng dưới sự dẫn dắt của Manuel Pellegrini, Real tuy phá kỷ lục về số điểm tại La Liga (96) nhưng vẫn bất lực nhìn Barca vô địch vì họ... còn phá kỷ lục ấy sâu hơn (99 điểm). Hết cách, Perez đã bổ nhiệm Jose Mourinho, khi ấy vừa vô địch Champions League cùng Inter sau khi loại Barcelona ở bán kết.
 
Trước trận El Clasico đầu tiên trên cương vị HLV Real, Mourinho tỏ ra hết sức tự tin. Người trợ lý Aitor Karanka nói với các cầu thủ khi họ tụ tập ở sảnh khách sạn Vua Juan Carlos ở Barcelona: “Chúng ta sẽ dạy cho lũ Barca một bài học bóng đá, sẽ cho chúng biết thế nào là chiến thuật”.
 
11 giờ sáng ngày 29/11/2010, Mourinho xuất hiện trước toàn đội, giọng đầy quả quyết, đến nỗi một cầu thủ đã phải nói đùa: “Ông ấy cứ nghĩ mình là George Clooney”. Hóa ra chiến thuật của Mou là... tổng lực phòng ngự. Khi Barca có bóng, đội hình được yêu cầu phải lùi về sát khung thành. Chỉ khi nào Real được ném biên, đội hình mới dâng lên một chút. 
 
 
Mou khai sinh thuật ngữ “áp lực tầm thấp” vào thời gian này. Chiến thuật này yêu cầu các cầu thủ hạn chế tranh chấp ở giữa sân, chủ động nhường lại trận địa cho đối phương. Chỉ đến khi bóng được đưa đến rìa vòng cấm thì mới quyết liệt tranh chấp. Cách chơi ấy đã thành công rực rỡ khi Mourinho còn ở Inter. Chỉ đáng tiếc Real không phải là Inter. 
 
Casillas, Alonso, Ramos, Albiol và Arbeloa hiểu Barca rõ hơn Mourinho. Họ không chỉ đối đầu với Barca của Pep suốt cả mùa bóng trước đó mà còn là đồng đội của những Xavi, Iniesta, Villa, Busquets, Pedro, Pique và Puyol trên tuyển. Alonso góp ý là phải gây áp lực với Barca ngay khi bóng còn ở trong chân của Victor Valdes. 
 
Nhưng Mourinho không tin luận điểm ấy. “Chúng ta phải lùi sâu, chờ đợi,” Mourinho nói: “Barca sẽ kiểm soát bóng trong khoảng 20 mét trước khung thành, nhưng nếu họ dấn sâu hơn chúng ta sẽ hành động, sớm muộn gì cũng sẽ có cơ hội phản công”.
 
Alonso không tin cách chơi ấy thành công. Nếu Barca vẫn còn Ibrahimovic như mùa bóng trước đó, đấy sẽ là một chiến thuật tuyệt vời bởi Ibra không tương tác tốt với các tiền vệ xung quanh. Nhưng với Pedro, Messi, Villa, lại thêm Xavi và Iniesta phía xa, lùi sâu là một cách chơi tự sát. Nhưng HLV đã quyết định như thế, Alonso chỉ còn biết nói với các đồng đội:
 
- Cố lên nhé, hôm nay phải chạy nhiều lắm đó.
 
Những gì diễn ra sau đó đã phản ánh đúng dự cảm của Alonso. Khung thành Casillas rung lên sau 9 phút và rung lên lần 2 ở phút 14. Trong giờ nghỉ, Mourinho không hề đưa ra một lời động viên nào. Ông rút Oezil ra và tung vào sân Lassana Diarra để... không thua đậm hơn nữa. 
 
Khi thấy HLV không nói gì, các cầu thủ nhìn về phía thủ quân Casillas. Và Casillas đã nói: “Trong hiệp 2, hãy chạy thật nhiều. Có hàng triệu người đang theo dõi chúng ta, có hàng triệu fan của Real sẽ mất ngủ đêm nay. Hãy cho họ an ủi, ít nhất chúng ta cũng đã cố hết sức”.
 
Mou hoàn toàn bất lực trước màn tra tấn của Barca. Ông ngồi yên trên ghế trong tiếng gầm của Nou Camp: “Mourinho, hãy bước ra mà chỉ đạo, hãy bước ra đi”.
 
(*): Tư liệu từ bài viết này được lấy từ 2 quyển sách gồm “Pep Confidential” của Marti Perarnau vừa phát hành và cuốn “Người đặc biệt: mặt trái của Jose Mourinho” do Diego Torres xuất bản hồi năm ngoái.


(báo bóng đá)