Bong da

Quốc tế

Carlos Dunga trao băng thủ quân cho Neymar: Quyền lực mềm lên ngôi ở Selecao

Cập nhật: 24/11/2014 00:18 | 0

Khi Carlos Dunga quyết định tước băng đội trưởng của Thiago Silva để trao cho Neymar, phòng thay đồ của đội tuyển Brazil đã trải qua một cái rùng mình: Quyền lực rời khỏi tay những cầu thủ chiến đấu để chuyển giao cho những biểu tượng mới, những người không hẳn là chỗ dựa tâm lý đáng tin cậy, nhưng có ý nghĩa đặc biệt về hình ảnh đối với Selecao.

Carlos Dunga trao băng thủ quân cho Neymar: Quyền lực mềm lên ngôi ở Selecao
Carlos Dunga trao băng thủ quân cho Neymar: Quyền lực mềm lên ngôi ở Selecao
Người Brazil vốn là những nghệ sĩ đá bóng, nhưng chiếc băng đội trưởng giữ đôi chân của họ luôn ở trên mặt đất. Nó không thuộc về những ngôi sao sáng nhất, mà được đeo bên cánh tay của những người có tinh thần sắt đá. 
 
SỰ THỐNG TRỊ CỦA CÁC CẦU THỦ PHÒNG NGỰ
Trung vệ Hilderaldo Bellini dẫn dắt Brazil đến chức vô địch World Cup 1958. Mauro Ramos, một hậu vệ khác, là thủ lĩnh của những nhà VĐTG năm 1962. Carlos Alberto, một libero, là đội trưởng của tập thể toàn sao năm 1970. Carlos Dunga, thủ quân của đội hình VĐTG năm 1994 và HLV trưởng của Selecao hiện tại, là một tiền vệ phòng ngự. Năm 2002, băng đội trưởng thuộc về Marcos Cafu, một hậu vệ phải.
 
Nhưng sự áp đảo ấy không khiến cho cuộc chiến trong phòng thay đồ giữa những thủ lĩnh xù xì và những ngôi sao chơi thứ bóng đá đẹp làm người Brazil tự hào bớt khốc liệt. Trước khi đưa Brazil đến với chức VĐTG năm 1970, Carlos Alberto còn không có mặt trong đội hình Selecao dự World Cup 1966: “Đó là một cú sốc lớn với tôi. Khi tôi thấy rằng tên mình không có trong danh sách, tôi nghĩ họ đã phạm sai lầm. Cuối cùng thì để chiến thắng World Cup, người ta không chỉ cần những cầu thủ kỹ thuật”.
 
 
Sau “kỷ nguyên Carlos Alberto”, Brazil không thể giành thêm Cúp Thế giới nào, dù vẫn sở hữu đội hình cực mạnh. Các đội trưởng tiếp theo đa phần là những cầu thủ tấn công, như Rivelino, Socrates và Rai. Đó là thời kỳ mà tờ Globo bình luận rằng “tấm băng đội trưởng chỉ là hình thức, không ai phải tranh giành nó, vì quyền lực nó tạo ra là không có trong thực tế”.
 
Người Brazil vốn không thích những cầu thủ có lối chơi thiếu hoa mỹ, nhưng nghịch lý là để đi đến đỉnh cao, họ luôn cần mẫu cầu thủ như vậy. Năm 1994, chính Dunga đã tạo ra một cuộc “đảo chính” trong phòng thay đồ sau khi vượt qua nỗi ám ảnh kinh khủng của VCK World Cup 1990, giải đấu tệ nhất của Selecao kể từ năm 1966, giải đấu mà anh đã bị quy trách nhiệm chính, vì phong cách chơi “côn đồ và thiếu sự sáng tạo”.
 
QUYỀN LỰC MỀM LÊN NGÔI
Rai, một tiền vệ công duy mỹ, là đội trưởng của Brazil trong suốt chiến dịch vòng loại và cả giai đoạn khởi đầu của World Cup 1994, nhưng phong độ nghèo nàn và một làn sóng ngấm ngầm dấy lên trong phòng thay đồ đã buộc anh phải chia tay băng thủ quân. Một số cầu thủ Brazil buộc tội rằng Rai khiến đội hình mất cân bằng, và anh để mất vị trí vào tay Mazinho. 
 
Người tiếp nhận băng đội trưởng là Dunga, khi ấy nhận được sự nể phục của toàn đội, bao gồm cả một “tay chơi” có số má như Romario. Brazil buồn ngủ và xấu xí của Dunga ấy cuối cùng đi thẳng đến chức vô địch.
 
Dunga là một trong những đội trưởng cứng rắn và giàu quyền lực nhất trong lịch sử Selecao, người khiến những ngôi sao phóng túng của đội tuyển này phải gò mình vào kỷ luật. Người đưa ra những mệnh lệnh và buộc cả đội phải tuân theo. Dunga đã từng đánh nhau với Bebeto ở trận gặp Morocco thuộc khuôn khổ World Cup 1998 để lập lại trật tự, và thực sự là một “đại ca” ở Selecao.
 
 
Thế nên, chiến thắng của Neymar trong cuộc chạy đua quyền lực phía sau cánh cửa phòng thay đồ thực sự là một điều bất ngờ, bởi HLV hiện tại của họ đã từng lãnh đạo đội tuyển này bằng sự tuân mệnh và phục tùng của các cầu thủ khác. Thiago Silva là một mẫu thủ lĩnh hứa hẹn như vậy: Cứng rắn, chơi ở hàng phòng ngự và ở vào độ tuổi chín chắn. 
 
Nhưng có vẻ như thứ quyền lực cứng ấy đang lép vế trước quyền lực mềm của Neymar, một cầu thủ có lẽ sẽ không thể quát mắng hoặc áp đặt ý chí lên các đồng đội, nhưng phần nào có thể kết nối họ, và khiến cho hình ảnh của Brazil trở nên mềm mại, đại chúng và gần gũi hơn.
 
 
“Đã có phân cấp ở đội tuyển Brazil”
Đó là lời nhận xét của nhà báo Steve Nicol sau khi Thiago Silva phản ứng với quyết định Neymar được Carlos Dunga trao cho băng đội trưởng: “Đội tuyển Brazil đang phân hóa theo thứ bậc, và quyết định trong phòng thay đồ giờ không còn thuộc về những tầng lớp cựu binh”. 
 
Có một thời, những cầu thủ lớn tuổi trong đội luôn được tôn trọng và dành cho những đặc quyền, bất chấp việc ánh đèn sân khấu thuộc về những người khác. Ở World Cup 1998, Dunga là người có tiếng nói trọng lượng nhất, dù mọi kỳ vọng đều dồn lên vai Ronaldo “béo”. Ở World Cup 2006, bộ tứ huyền ảo Ronaldo-Rivaldo-Ronaldinho-Adriano là những người được nói đến nhiều nhất, nhưng nụ cười của Cafu có một sức mạnh ghê gớm. 
 
Nhưng kể từ sau khi Cafu bị đuổi khỏi phòng thay đồ ở World Cup vừa qua khi có ý định xoa dịu các cầu thủ sau trận thua Đức 1-7, thì tầng lớp cựu binh không còn nhiều tiếng nói nữa. Việc Maicon bị loại khỏi đội tuyển Brazil không lý do cũng là một bằng chứng khác cho thấy rằng đã có sự thay đổi kết cấu trong phòng thay đồ Selecao.
 
Và Neymar sẽ là ông chủ mới?
 
Thiago Silva không phải là Carlos Dunga
Khi được hỏi về cảm xúc của mình về vụ đổi băng đội trưởng, Thiago Silva cảm thấy rằng anh không được tôn trọng: “Tôi nghĩ rằng tôi chẳng cần phải giải thích gì cả. Tôi không nói chuyện với bất kỳ ai trong đội, và Neymar cũng chẳng nói gì với tôi cả. Điều này gây tổn thương đấy. Tôi có cảm giác rằng bị ai đó tước mất cái gì đó thuộc về mình. Nếu tôi nói rằng tôi hạnh phúc thì đó hẳn không phải là sự thật”.
 
Đây có lẽ là cuộc khủng hoảng thực sự đầu tiên dưới triều đại của Carlos Dunga. Vào tháng 9, vụ đuổi Maicon khỏi đội tuyển có thể là một quyết định gây sốc, nhưng nó đã diễn ra trong êm thấm, dù để lại những hoài nghi về sự đấu đá trong phòng thay đồ Selecao. 
 
Lãnh đội Gilmar Rinaldi tiết lộ rằng Maicon bị loại vì lý do kỷ luật, nhưng không cho biết chi tiết sự việc, dẫn đến một loạt những tin đồn lố bịch (dạng Maicon “tự sướng” với chai dầu gội của David Luiz hay Maicon đã bôi ớt lên mông đồng đội rồi bảo rằng họ bị… cưỡng bức). 
 
 
Hai tháng trước, sau khi Dunga công bố rằng Neymar sẽ là đội trưởng mới, mọi chuyện vẫn êm đẹp. Băng đội trưởng không phải là một vấn đề nghiêm trọng ở Brazil như ở Anh. Nhưng lần này là ngoại lệ, và nó bắt nguồn từ chính trung vệ của PSG.
 
World Cup 2014, nếu bạn còn nhớ, thì vẻ mặt lo lắng của Thiago Silva trước loạt sút luân lưu với Chile ở vòng 1/8 là một thất bại lớn về khả năng lãnh đạo. Trung vệ của PSG sau đó đã xin HLV Felipe Scolari không đá penalty. Trong khi đó, Neymar, dù cực kỳ căng thẳng và sau đó đã phải rơi nước mắt, vẫn ghi bàn quyết định từ một trong những cú đá penalty quan trọng nhất của lịch sử bóng đá Brazil để giúp Selecao đi tiếp.
 
Silva cũng đã không có mặt vào tháng 9 vì chấn thương, và Dunga buộc phải hành động. Ông cần một trung vệ trám chỗ Silva và bọc lót được cho David Luiz, người luôn có xu hướng bỏ vị trí để dâng cao. Miranda của Atletico được lựa chọn và đến nay đã giúp Brazil chơi 5 trận không thủng lưới, ngay cả khi phải đối mặt với những ngôi sao hàng đầu như Lionel Messi của Argentina và James Rodriguez của Colombia.
 
Sau những lời chỉ trích của Silva, Neymar xuất hiện với tư thế đĩnh đạc và nói rằng đối với anh, “Silva luôn là đội trưởng”. Anh cũng xác nhận rằng giữa họ chẳng có vấn đề gì với nhau cả. Trong cùng ngày, Thiago Silva lập tức đăng đàn khẳng định rằng mọi chuyện chỉ là quá khứ.
 
Trong khi Neymar, dù trẻ tuổi hơn, đang trưởng thành từng ngày và trở thành một thủ lĩnh thâm trầm, thì có vẻ như Thiago Silva không còn giữ được sự bình tĩnh cần thiết, thái độ của một thủ lĩnh lạnh lùng và sắt đá, tương tự Dunga trước đây. Dù thế nào, phòng thay đồ đội tuyển Brazil có lẽ đã đến lúc không còn phân chia thứ bậc theo tuổi tác nữa. Và đến lúc này, thì đó cũng không còn là một chốn bình yên như trước đây.


(báo bóng đá)