Bong da

Quốc tế

Cầu thủ thế kỷ 21: Giá trị phi giá trị

Cập nhật: 25/12/2014 13:38 | 0

Bóng đá chẳng những là môn thể thao vua mà còn là môn thể thao nhà giàu. Một siêu sao cỡ Lionel Messi có thể nhận 300.000 bảng/tuần thật dễ dàng và đơn giản.

Cầu thủ thế kỷ 21: Giá trị phi giá trị
Cầu thủ thế kỷ 21: Giá trị phi giá trị
Ngay cả một cầu thủ chưa thuộc hàng sao lớn là Joe Hart cũng có thể nhận 160.000 bảng/tuần. Sự phi lý của bóng đá là logic của sự giàu có, vì nói như Warren Beatty trong vai trùm xã hội đen Bugsy trong một bộ phim cùng tên thì “Khi tôi mua một căn nhà, quan trọng là tôi có đủ tiền và thích, chứ không phải là giá trị của căn nhà ấy có tương xứng với số tiền tôi bỏ ra hay không”. 

Một VĐV đỉnh cao của môn cầu lông vô địch một giải lớn tầm thế giới vui mừng vì nhận số tiền thưởng 10.000 USD. Floyd Mayweather Jr chỉ cần thượng đài một trận đã nhận ngay thù lao 100 triệu USD. Mỗi tuần, Cristiano Ronaldo chỉ đá từ 1 đến 2 trận cũng nhận ngay 250.000 bảng. 

Có ai dám nói Lee Chong Wei (cầu lông) vươn lên đỉnh cao thế giới ở môn thể thao của mình dễ hơn Ronaldo và Messi ở môn túc cầu, hoặc Mayweather ở môn quyền Anh? 

Môn nào cũng khó cả, giống ở đời không có chuyện gì đơn giản, nhất là chuyện kiếm tiền. Sự khác biệt giữa các môn thể thao giàu và nghèo, giữa thu nhập của một VĐV bóng đá so với cầu lông, bóng bàn, bơi lội, boxing hay bóng chày là ở chỗ môn thể thao ấy có mức độ thu hút tài chính đến cỡ nào. 

Ở đây, còn phải bàn đến khía cạnh nhà giàu chơi môn thể thao nào. Người Mỹ mê môn bóng đá kiểu Mỹ (rất giống môn bóng bầu dục ở châu Âu), nhưng họ chưa bao giờ tự hào đó là môn thể thao phổ biến nhất hành tinh. Doanh thu hàng năm của bóng đá - môn phổ biến nhất, chỉ là 2 tỷ USD/năm, trong khi môn bóng đá kiểu Mỹ là 9 tỷ USD/năm dù ở Việt Nam, rất ít người biết chứ chưa nói đến chuyện thích môn thể thao ấy.


Nói chung, cứ người Mỹ thích môn nào thì môn đó giàu. Bóng chày, boxing, golf, bóng rổ, quyền Anh… là ví dụ. Môn bóng đá cũng “giàu” nhờ được cả thế giới yêu chuộng trong đó có những quốc gia giàu như Anh, Đức, Pháp cũng mê. Môn F1 tuy không phổ biến như bóng đá nhưng lại được những tập đoàn khổng lồ đầu tư, nên cũng giàu. 

Môn thể thao giàu thì VĐV chơi môn thể thao ấy cũng giàu. Lee Chong Wei là fan của môn bóng chày, chưa bao giờ Lee phàn nàn hay so sánh vì ngôi sao bóng chày Clayton Kershaw nhận mức lương 30 triệu USD/năm trong 10 năm! Bởi đội LA Dodgers của Kershaw nhận được hợp đồng truyền hình trong 17 năm trị giá 30 tỷ USD. Hợp lý chưa?   

Từ những ví dụ kể trên, chúng ta dễ dàng hiểu vì sao giá chuyển nhượng cầu thủ trong bóng đá được đẩy cao đến mức khó tin. Khi một cầu thủ như Gareth Bale còn đủ sức làm sóng gió trên thị trường chuyển nhượng, huống hồ là Ronaldo hay Messi nếu hai siêu sao này gia nhập chợ cầu thủ? 

Giá trị trong bóng đá đỉnh cao, vì vậy, có thể xem là phi giá trị về vật chất. Tất nhiên, chúng ta không thể nói những đội như Real hay M.U vung tiền qua cửa sổ vô ích. Los Blancos và Quỷ đỏ chính là 2 đội giàu nhất thế giới, đồng thời cũng kiếm tiền giỏi nhất trong bóng đá. Bảo các quan chức chuyển nhượng của M.U và Real bị điên cũng tức là bảo Steve Jobs hay Bill Gates không bình thường.

Lý lẽ của giới thiên tài là những phát kiến vượt ngoài sức tưởng tượng của những người bình thường như chúng ta. Hãy cùng chờ đợi và chiêm ngưỡng những kỳ công mới của họ vậy! 


(báo bóng đá)