Bong da

Quốc tế

Kosovo, một “La Masia” chưa từng được biết tới

Cập nhật: 31/07/2014 09:19 | 0

Nhắc đến Kosovo, chúng ta nhớ tới điều gì ngoài bất ổn chính trị và chiến tranh? Nhưng ít ai biết rằng, bóng đá vẫn ngầm chảy trong lòng Kosovo và thực tế, vùng đất nhỏ bé này đã sản sinh ra rất nhiều ngôi sao hàng đầu thế giới.

Kosovo, một “La Masia” chưa từng được biết tới
Kosovo, một “La Masia” chưa từng được biết tới
* Tổng hợp chuyển nhượng ngày 30/7
* Cập nhật danh sách chuyển nhượng mùa Hè 2014

KOSOVO - CÁI NÔI CỦA BÓNG ĐÁ
Hình ảnh bóng đá Kosovo đã từng xuất hiện khá đậm đặc trong một bộ phim tư liệu của nhà làm phim nổi tiếng Emir Kusturica: Những vết bùn hình trái bóng in trên những bức tường loang lổ máu và khói bụi. Tác giả cố tình nhấn vào nó, như một chất liệu tương phản cho cuộc chiến tranh Kosovo. Thông điệp quá dễ cảm nhận. Nó cho chúng ta thấy, hơi thở bóng đá vẫn len lỏi khắp mọi ngõ ngách của Kosovo, dù ngay bên ngoài, người ta nói với nhau câu chuyện giữa sự sống và cái chết.

Bộ phim tài liệu như hồi chuông đánh thức một câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra nếu Kosovo được Liên hợp quốc công nhận về chủ quyền lãnh thổ và FIFA coi họ là một thành viên chính thức?

Nếu giấc mơ đó của người Kosovo trở thành hiện thực, họ sẽ có đội tuyển quốc gia, và trong màu áo ĐTQG Kosovo, chúng ta sẽ thấy sự xuất hiện của những ngôi sao hàng đầu thế giới vào thời điểm hiện tại như Nemanja Vidic, Adnan Januzaj, Lazar Markovic, Stevan Jovetic, Luka Modric, Mario Mandzukic, Asmir Begovic, Edin Dzeko, Miralem Pjanic… 

Nhìn vào những cái tên kể trên liệu bạn cảm thấy điều gì? Có phải là một sự xót xa? Những bất ổn chính trị đã tước đi cơ hội để ĐTQG Kosovo được FIFA thừa nhận, nhưng không thể xóa nhòa đi thực tế, Kosovo chính là một trong những cái nôi sản sinh ra nhiều tài năng bóng đá. 


TỪ VOKRRI TỚI SHAQIRI
Ngược dòng thời gian trở về ngày 23/6/1960, tại một thị trấn nhỏ ở Podujevo cách biên giới Serbia không xa, một chú nhóc tên Fadil Vokrri học những kỹ năng đầu tiên để trở thành một cầu thủ bóng đá. Người dạy Vokrri đá bóng không phải những HLV hàng đầu thế giới, nhưng tài năng thiên bẩm, cùng tình yêu bóng đá mãnh liệt đã biến Vokrri thành một cầu thủ thực sự. 

Fadil Vokrri sau đó trở thành một trong những cầu thủ vĩ đại bậc nhất của bóng đá Nam Tư. Anh học đá bóng ở Kosovo, và theo lời Vokrri kể lại “có cả trăm cầu thủ đá bóng như tôi vào thời điểm đó – những người Kosovo biết đá bóng nhưng sợ chiến tranh và đói nghèo”.

Đáng tiếc, bất ổn chính trị, chiến tranh, những nỗi lo thường nhật về miếng cơm manh áo đã đẩy rất nhiều tài năng bóng đá của Kosovo tìm đến Đức, Thụy Sỹ hay bất kỳ quốc gia nào thuộc vùng Scandinavia. Những đứa trẻ dứt khỏi cha mẹ chúng để tìm tương lai tươi đẹp hơn. Ở đó, chúng có thể đá bóng và không phải nơm nớp lo sợ cái chết rình rập trên đầu.

Nếu không có những cuộc chạy trốn này, một trong những học trò nổi tiếng nhất của Fadil Vokrri: siêu sao Xherdan Shaqiri thực tế đã chơi bóng cho ĐTQG Kosovo thay vì ĐT Thụy Sỹ - đất nước đơn giản đã cho anh cuộc sống có đủ cơm ăn và áo mặc.


Xherdan Xaqiri

GIẤC MƠ GIBRALTAR
Ngày 24/5/2013, UEFA công nhận Gibraltar – một vùng lãnh thổ thuộc Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland là thành viên lâm thời. Cũng giống những đội tuyển nhỏ bé như San Marino, Đảo Faroe, với phần lớn cầu thủ về cơ bản chỉ chơi bóng nghiệp dư, Gibraltar chắc chắn có quá ít cơ hội để cạnh tranh với những nền bóng đá lớn trên thế giới. Nhưng Gibraltar lại có được điều mà Kosovo ngày đêm mơ tới: Một sự thừa nhận chính thức. Hiện tại, Liên hợp quốc vẫn phủ nhận chủ quyền của Kosovo nên nền bóng đá của nơi đây không bao giờ có cơ hội trở thành một phần của UEFA hay FIFA. Cho đến ngày hôm nay, Kosovo đã có thể thi đấu giao hữu ở cấp độ đội tuyển. Nhưng với việc không được tham dự bất kỳ giải đấu cấp độ UEFA và FIFA, những cầu thủ tài năng vốn dĩ thuộc sở hữu của quốc gia này vẫn phải đem chuông đi đánh xứ người. Nhưng hãy tin rằng những Shaqiri, Behrami, Janujzai, Markovic…  muốn thi đấu cho mảnh đất nơi họ được sinh ra.

GIẢI VĐQG KOSOVO CÓ TỪ NĂM… 1945
Dù không được thế giới chú ý nhiều, nhưng giải VĐQG Kosovo (tên là Raiffeisen Superliga e Futbollit te Kosoves) có tuổi đời không hề non trẻ chút nào. Giải thành lập từ năm 1945 và trải qua khá nhiều lần đổi tên cũng như thay đổi thành phần tham dự. Hiện tại giải VĐQG Kosovo có 12 đội tham dự, thi đấu theo thể thức giống các giải VĐQG khác và cũng có 2 CLB phải xuống hạng. Nhà ĐKVĐ hiện tại là CLB Prishtina – một đội bóng được thành lập cách đây 92 năm.

LUIS SUAREZ TỪNG ĐƯỢC KOSOVO MỜI THI ĐẤU
Sau khi Luis Suarez cắn vào vai Chiellini và bị FIFA cấm tham gia tất cả các hoạt động liên quan đến bóng đá trong thời gian 4 tháng, LĐBĐ Kosovo từng lên tiếng kêu gọi siêu sao này tạm gia nhập một đội bóng ở Kosovo để thi đấu. Do Kosovo không được FIFA thừa nhận nên án phạt của FIFA dành cho Suarez không có hiệu lực tại đây. Thông tin Kosovo mời Suarez về thi đấu gây xôn xao khá lớn, đáng tiếc, tân binh của Barcelona đã từ chối.

CĐV GỬI THƯ YÊU CẦU JANUZAJ KHOÁC ÁO KOSOVO
Trước khi World Cup 2014 diễn ra, tiền vệ Adnan Januzaj từng nhận được lá thư nặc danh tự dưng là “một fan bóng đá Kosovo” yêu cầu tiền vệ này trở về khoác áo ĐTQG Kosovo nếu không muốn “bị tổn hại đến tính mạng và sức khỏe”. Ngôi sao trẻ của Man United là cầu thủ có tới… 6 lựa chọn ĐTQG, trong đó Kosovo cũng là một trong những điểm đến mà anh được phép thi đấu. Hiện anh đã chọn ĐT Bỉ.


(báo bóng đá)