Bong da

Quốc tế

Nạn ăn vạ sẽ hủy hoại bóng đá

Cập nhật: 01/08/2014 00:08 | 0

Những tình huống ăn vạ đang ngày càng gia tăng và xuất hiện ở gần như tất cả sân chơi, từ các giải VĐQG đến đấu trường đỉnh cao World Cup. Vấn nạn này đang làm mất đi vẻ đẹp bóng đá và tiến tới phá hủy môn thể thao này.

Nạn ăn vạ sẽ hủy hoại bóng đá
Nạn ăn vạ sẽ hủy hoại bóng đá
HÌNH ẢNH XẤU XÍ
Đức và Argentina đã cống hiến một trận đấu đầy hấp dẫn tại World Cup 2014, nhưng lần gặp nhau gần nhất giữa họ trước đó ở một trận chung kết World Cup lại bị phá hỏng bởi những tình huống ăn vạ. Đó là tại Italia 1990, Đức của Lothar Matthaeus, Andreas Brehme, Juergen Klinsmann… đã giành chiến thắng 1-0 trước Argentina của Diego Maradona, Jorge Burruchaga, Roberto Sensini… Bàn thắng duy nhất của trận đấu xuất phát từ một quả penalty, sau khi Rudi Voeller ngã trong vòng cấm.

Các pha quay chậm sau đó cho thấy, tiền đạo của ĐT Đức đã chủ động ngã khi hậu vệ Argentina đưa chân tranh bóng. Ngoài tình huống này, ĐT Đức còn có thêm một số pha ăn vạ khác. Trong đó, tai tiếng nhất là cú ngã lăn nhiều vòng trên sân của Juergen Klinsmann vào phút 65, khiến hậu vệ Pedro Monzon của ĐT Argentina phải nhận thẻ đỏ.
 
Argentina là nạn nhân của vấn nạn ăn vạ tại World Cup 1990, nhưng 8 năm sau trên đất Pháp, họ lại đóng vai thủ phạm. Tiền vệ Diego Simeone đã lăn lộn trên sân cứ như thể vừa phải nhận một cú đá thô bạo, dù David Beckham mới chỉ chạm nhẹ vào chân anh. Hành động ăn vạ của Simeone đã khiến Beckham bị truất quyền thi đấu, gián tiếp khiến ĐT Anh bị loại.
 
Những hình ảnh đó khiến hình ảnh bóng đá trở nên xấu xí. Juergen Klinsmann và Diego Simeone đều bị chỉ trích vì các pha bóng ăn vạ của mình nhưng kết quả trận đấu dù sao cũng đã an bài và không thể thay đổi.

 
SUY GIẢM NIỀM TIN
Những hành vi ăn vạ trên sân cỏ có thể làm thay đổi kết quả một trận đấu, hay thậm chí là kết quả chung cuộc của một giải đấu. Thế nhưng, nó chưa được những nhà quản lý bóng đá quan tâm đúng mức. FIFA vẫn khá nhẹ tay với vấn nạn này. Họ từ chối phạt Arjen Robben, dù tiền đạo người Hà Lan thừa nhận có ngã vờ ở trận gặp Mexico tại vòng 1/8 World Cup 2014.
 
Tuy nhiên, cũng có những nền bóng đá tuyên chiến với nạn ăn vạ như Australia và Mỹ. Sở dĩ hai quốc gia này đi đầu trong trừng phạt các cầu thủ ngã vờ, bởi bóng đá phải cạnh tranh khốc liệt với các môn thể thao khác. Ở Mỹ và Australia, bóng đá đều không phải là môn thể thao số 1. Để không mất khán giả cũng như thị phần quảng cáo vào tay bóng bầu dục, bóng chày… những người làm bóng đá nơi đây buộc phải tìm kiếm các biện pháp nâng cao tính hấp dẫn, quyết liệt. Muốn làm được điều đó, trước hết cần phải loại bỏ những tình huống ăn vạ phản cảm.
 
Nhưng đến thời điểm này, những trường hợp như Mỹ và Australia còn rất hiếm hoi. Phần lớn các nền bóng đá còn lại đều xem các pha ăn vạ, ngã vờ như là một phần của cuộc chơi. Điều đó cũng đồng nghĩa những trò gian lận vẫn có chỗ đứng trong thế giới túc cầu. Vấn nạn đó không chỉ làm xấu đi hình ảnh của bóng đá mà về lâu dài còn có thể suy giảm niềm tin vào tôn chỉ chân chính của thể thao.
 
4. Tại World Cup 2014 vừa qua, có tới 4 bàn thắng xuất phát từ các tình huống ăn vạ. Ngay trong trận khai mạc, Neymar nâng tỷ số lên 2-1 cho Brazil, sau khi Fred kiếm được một quả penalty nhờ tự ngã trong vòng cấm Croatia. Tới vòng 1/8, cũ ngã cực đẹp của Robben trong khu cấm địa đối phương cũng giúp Hà Lan lội ngược dòng thành công trước Mexico.


(báo bóng đá)