Bong da

Việt Nam

Lê Công Vinh: Đánh đổi máu & nước mắt để có thành công

Cập nhật: 29/11/2014 07:57 | 0

“Mỗi khi ra sân, tôi tập luyện và thi đấu như thể ngày mai không còn được làm điều mình yêu thích này. Và ngày nào còn đá bóng thì tôi còn phải nỗ lực, phải cháy hết mình trên sân”, Công Vinh, người vẫn tiếp tục ghi bàn cho ĐTVN tại VCK AFF Suzuki Cup 2014, bật mí bí quyết vươn lên trở thành một trong những tiền đạo xuất sắc nhất của Việt Nam.

Lê Công Vinh: Đánh đổi máu & nước mắt để có thành công
Lê Công Vinh: Đánh đổi máu & nước mắt để có thành công
DUYÊN GHI BÀN Ở AFF CUP
Trước thềm AFF Suzuki Cup 2008, Công Vinh có hiệu suất ghi bàn rất thấp, ĐT Việt Nam trải qua 10 trận liên tiếp không biết mùi chiến thắng. Đối mặt với sức ép rất lớn từ người hâm mộ, một thành viên BHL đã lên tiếng đề nghị HLV Henrique Calisto loại tiền đạo người xứ Nghệ khỏi danh sách sang Thái Lan đá vòng bảng.  Chiến lược gia người Bồ Đào Nha đập tan ý định trên của cộng sự bằng một câu nói ngắn gọn: “Tôi sẽ loại cậu ta nếu anh có thể chỉ cho tôi một tiền đạo đủ sức thay thế”.

Bước vào AFF Suzuki Cup 2008, Công Vinh tiếp tục phải chịu sức ép lớn khi “tịt ngòi” cho tới tận bán kết. Tuy nhiên, tới chung kết gặp Thái Lan, tiền đạo người xứ Nghệ đã ghi bàn trong cả lượt đi và lượt về. Cú đánh đầu ngược thành bàn ở phút 90+4 của Công Vinh trên sân Mỹ Đình, giúp ĐT Việt Nam lần đầu giành chức vô địch AFF Cup đến thời điểm này vẫn là khoảnh khắc đẹp nhất trong lịch sử bóng đá nước nhà.

Trước thềm AFF Suzuki Cup 2014, Công Vinh lại “tịt ngòi” trong hơn hai tháng. Không ít chuyên gia bóng đá, người hâm mộ lại lên tiếng đề nghị HLV Toshiya Miura cho tiền đạo sinh năm 1985 xách vali về nhà sớm. 

Bất chấp sức ép từ dư luận, chiến lược gia người Nhật Bản vẫn đặt niềm tin vào Công Vinh và thu về thành quả xứng đáng. Khi chính thức bước vào AFF Suzuki Cup 2014, ông xã của cô ca sĩ nổi tiếng Thủy Tiên đã đập tan mọi sử chỉ trích khi liên tiếp “nổ súng” trong trận gặp Indonesia và Lào.

CAN TRƯỜNG VƯỢT QUA THỬ THÁCH
“Điểm mạnh nhất của tôi chính là sức chịu đựng, khả năng đối diện với sức ép của truyền thông và người hâm mộ. Tôi luôn luôn tâm niệm rằng ông trời có mắt, mình đã đổ máu, đổ nước mắt nỗ lực thì nhất định sẽ có lúc thành công”, tiền vệ người xứ Nghệ bật mí về bí quyết để trở thành một trong những chân sút xuất sắc nhất lịch sử bóng đá Việt Nam.


Công Vinh cho biết giai đoạn khủng khiếp nhất trong sự nghiệp cầu thủ của anh là khi dính chấn thương dây chằng đầu gối trong một buổi tập cùng Hà Nội T&T năm 2010. Nhiều người dự đoán sự nghiệp cầu thủ của Công Vinh sẽ phải đặt dấu chấm hết tại đây nhưng anh đã không từ bỏ.

“Sau chức vô địch năm 2008, tôi được coi như người hùng, được truyền thông săn đón, có rất nhiều người bạn xung quanh. Đến khi chấn thương, đối mặt với nguy cơ phải giải nghệ sớm, tôi chẳng còn ai bên mình. Tôi đã sốc thực sự nhưng rồi sớm nhận ra rằng như vậy cũng tốt, cuộc sống đôi khi cần những phút giây như thế để mình nhận ra sự thật”, Công Vinh kể lại.

Hà Nội T&T hứa hỗ trợ Công Vinh điều trị nhưng việc giải ngân chậm. Cầu thủ người xứ Nghệ quyết định bán xe, gom tất cả tiền có để sang Bồ Đào Nha phẫu thuật, lấy hóa đơn về thanh toán với CLB sau. 

Sau ca phẫu thuật thành công, Công Vinh tiếp tục phải trải qua giai đoạn phục hồi vô cùng gian nan để có thể lấy lại khả năng chơi bóng. Anh bỏ tiền túi thuê chuyên gia thể lực từ Bồ Đào Nha sang Việt Nam hỗ trợ. Thời điểm đó, dù nắng hay mưa, trời nóng nực hay rét căm căm, tiền đạo duy nhất của Việt Nam từng được chơi bóng ở giải vô địch Bồ Đào Nha trong màu áo CLB Leixoes cũng chạy bộ, tập gym, bơi...

“Rất nhiều cầu thủ bị đứt dây chằng đã không bao giờ có thể trở lại phong độ đỉnh cao, may là tôi đã vượt qua được. Nghĩ lại thời gian tập hồi phục đó thật sự thấy khủng khiếp. Ông trời đã không phụ lòng tôi, sau hơn 8 tháng điều trị đã có thể trở lại với sân cỏ”, Công Vinh chia sẻ.

Công Vinh luôn cháy hết mình vì người hâm mộ

Năm 2012, Công Vinh thường xuyên phải “chạy xe không”, tịt ngòi tại AFF Suzuki Cup, ĐT Việt Nam bị loại ngay từ vòng đấu bảng, anh đã phải chịu sức ép rất lớn. Đặc biệt, tiền đạo đã góp công lớn trong chức vô địch năm 2008 còn bị nghi ngờ nằm trong nhóm “danh sách đen”, gồm những cầu thủ đá không hết mình vì màu cờ sắc áo.

“Lúc đó tôi phải hứng chịu không biết bao nhiêu chỉ trích, đi đâu cũng bị nhìn với ánh mắt nghi ngờ. Tuy nhiên, tôi luôn tâm niệm rằng mình không làm gì sai thì chẳng có gì phải sợ, sự thật sớm hay muộn cũng sẽ được đưa ra ánh sáng. Tôi im lặng không giải thích và chứng tỏ mình bằng màn trình diễn trên sân cỏ. 

Giờ thì mọi người đã thấy sự thật ra sao. Là cầu thủ, tôi có lúc đá hay, lúc đá dở nhưng chưa bao giờ không vì màu cờ sắc áo dân tộc. Tôi luôn làm hết khả năng của mình ở mọi trận đấu để khi kết thúc có thể ngẩng cao đầu”, Công Vinh khẳng định.

TÍNH CHUYÊN NGHIỆP HÀNG  ĐẦU

Ở lò đào tạo trẻ của SLNA, Công Vinh thể hình nhỏ xíu, thể lực kém, từng bị BLĐ đội bóng tính loại nhưng nhờ Hữu Thắng bảo lãnh nên có thể ở lại. Đến thời điểm này thì mọi chuyện đã hoàn toàn khác, dù chỉ còn ít ngày nữa là bước sang tuổi 30 nhưng về sức mạnh, khó cầu thủ nào ở ĐT Việt Nam có thể sánh với Công Vinh. Để có được điều này, tiền đạo người xứ Nghệ phải tự thân vận động, nỗ lực không ngừng.

Công Vinh là cầu thủ hiếm hoi không hút thuốc lá, ít khi uống rượu bia. Mỗi khi đi chơi cùng bạn bè, anh cũng luôn gọi các đồ uống không cồn và tuyệt nhiên không dùng đá. Cầu thủ này cũng có nguyên tắc không ăn đêm, sáng nào cũng phải ăn sáng đủ và tối đúng 22h là lên giường ngủ. 

Anh cũng kiểm soát trọng lượng cơ thể gắt gao, không để tăng cân, tránh giảm tốc độ và khả năng xoay sở. Công Vinh bảo nếu không có chế độ sinh hoạt chuyên nghiệp như vậy, sự nghiệp của anh đã không thể kéo dài đến thời điểm hiện tại.

Người hâm mộ có câu “Quyến bẩm sinh, Vinh khổ luyện” rất đúng để nói về hai tiền đạo nổi danh xứ Nghệ. Công Vinh không phải là thiên tài bẩm sinh nhưng nhờ nỗ lực của bản thân, anh đã vươn lên thành một trong những tiền đạo xuất sắc nhất lịch sử bóng đá Việt Nam.

Đến bây giờ dù đã là ngôi sao nhưng Công Vinh vẫn không ngừng tập luyện thêm. Sau mỗi buổi tập, trong khi các đồng đội ngồi uống nước, tán chuyện trước khi ra về thì anh lại nằm trên sân tập lên bụng vài trăm lần nhằm có thêm sức mạnh.


“Xuất phát điểm của tôi là kém nhất lớp khi ở lò đào tạo trẻ SLNA. Và để trụ được, tôi xem nhiều bóng đá quốc tế, thấy pha nào hay là học. Sau các buổi tập cùng toàn đội, tôi lại bỏ ra khoảng 30 phút đến 1 tiếng để luyện riêng. Tôi tự tập, hoàn thiện từng tý một, từ kỹ năng khống chế bóng, rê bóng, đá phạt đến dứt điểm”, 

Công Vinh bật mí.



THÔNG TIN:
Tiến sát kỷ lục của Huỳnh Đức
Công Vinh cùng với Huỳnh Đức, Minh Phương và Tấn Tài là cầu thủ Việt tham dự AFF Cup nhiều nhất (5 lần). Ngay ở lần đầu tiên tham dự giải vô địch Đông Nam Á năm 2004, anh đã có 4 bàn thắng và tính tới hết trận gặp Lào, tổng cộng anh đã có 11 pha lập công, chỉ còn kém Huỳnh Đức 2 bàn. Rất có thể tiền đạo từng 3 lần giành danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam (2004, 2006 và 2007) đã xô đổ kỷ lục của đàn anh nếu không dính chấn thương, mất AFF Suzuki Cup 2010.  


(báo bóng đá)