Bong da

Chuyển nhượng

TTCN hè 2013 bùng nổ ở phút chót: Khi các tỷ phú tra dầu

Cập nhật: 03/09/2013 09:56 | 0

Trong top 50 cầu thủ đắt giá nhất lịch sử bóng đá thế giới bây giờ, các cầu thủ đứng ở đồng vị trí thứ 50 có giá là 35 triệu euro. Hãy coi đó là một cái mốc về sự “đắt giá” để phân tích TTCN.

 

Falcao gia nhập Monaco

 

1. Tính tới khi Gareth Bale gia nhập Real Madrid, thì mùa Hè năm 2013 đã ghi nhận 11 cầu thủ có giá từ 35 triệu euro trở lên. Đây là kỳ chuyển nhượng có nhiều cầu thủ có giá ở tầm này nhiều nhất trong lịch sử bóng đá. Mùa giải trước, chỉ có 7 cầu thủ loại này. Kỷ lục trước đây thuộc về năm 2001, năm mà Zidane lập kỷ lục thế giới, có 8 thương vụ từ 35 triệu euro trở lên được thực hiện.

Con số 11 này cho tới khi bài viết tới được tay bạn đọc, tức là TTCN mùa Hè kết thúc được vài tiếng, có thể còn tăng lên.

2. Tại sao năm 2013 lại có nhiều thương vụ đắt giá một cách bất thường như vậy? Câu trả lời sẽ tự bật ra với nhiều người: PSG và Monaco chính là sự khác biệt.

Nếu nhìn vào lịch sử chuyển nhượng của bóng đá châu Âu, thì chỉ có 2 loại lực đẩy chính khiến thị trường có nhiều đột biến. Đầu tiên là nhóm các CLB có doanh thu cao, bao gồm Real, M.U, Barca và Bayern – 4 CLB giàu nhất thế giới. Năm nào mà những đội này chi nhiều tiền, năm đó có bom tấn phát nổ.

Loại lực đầy thứ 2 chính là các CLB thuộc sở hữu của các tỷ phú như PSG và Monaco. Chelsea không phải là đội bóng đầu tiên thuộc loại này. Những ông lớn Serie A thực chất đã vận hành bằng tiền túi của các ông chủ từ rất lâu.

 


Năm 2001 kể trên, năm có nhiều vụ chuyển nhượng đắt giá thứ 2 trong lịch sử, chính là năm mà Milan, Inter và Juve đại náo thị trường với những Vieri, Nedved, Inzaghi, Rui Costa. Năm đó, Juve chi nhiều gần gấp đôi số tiền bán Zidane cho Real.

Các CLB Serie A làm ăn thì rất ít khi… lãi. Sân bóng vắng khán giả, doanh thu thương mại thấp. Nhưng với sự chống lưng của các gia đình Moratti, Berlusconi và Agneli, họ đã từng làm mưa làm gió ở châu Âu một thời gian dài. Nếu xếp chung họ với Chelsea, Man City, Zenit, PSG và Monaco không có gì là quá đáng.

Hai loại tiền này khác nhau như thế nào? Rất dễ trả lời: loại 1 là tiền do chính bóng đá làm ra để nuôi bóng; loại 2, là tiền từ các lĩnh vực khác đổ vào bóng đá vì ý thích cá nhân của các tỷ phú.

3. Mùa giải trước, tính sơ sơ các tỷ phú chơi bóng đá ở cựu lục địa đã đổ vào bóng đá gần 400 triệu euro, từ Anh, Nga, Pháp, Italia.

Đó là số tiền tương đương với BQTH của Ligue 1. Hãy tưởng tượng rằng 20 CLB Pháp đá quần quật cả năm, chỉ kiếm ra được số tiền mà vài vị tỷ phú ném ra để phục vụ cho ý thích cá nhân. Đó là số tiền mà bóng đá không tự kiếm ra được. Đó là một món quà.

Số tiền này, tất nhiên là sẽ chui vào túi các tay cò chuyển nhượng mất một ít, nhưng nó sẽ chảy đến tận chân kim tự tháp, đến các lò đào tạo của Brazil, Bồ Đào Nha, Colombia… Nó sẽ tạo ra một vòng quay thúc đẩy bóng đá: ví dụ, Monaco mua Rodriguez, Porto lại phải sang Nam Mỹ tìm người thay thế Rodriguez, rồi cái CLB Nam Mỹ kia lại phải đôn cầu thủ trẻ lên sau khi bán người cho Porto, những ngôi sao mới ra đời. Tiền của các tỷ phú trở thành dầu nhớt tra vào cỗ máy.

Nói chung, trong bối cảnh kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn này, trước một kỳ chuyển nhượng như mùa Hè năm 2013, NHM phải thấy hạnh phúc vì vẫn còn nhiều người yêu bóng đá đến mức trả những cái giá điên rồ.

 

Nguồn: Tổng hợp