Bong da

Cúp Châu Âu

Bình luận Arsenal: Đi trước về sau

Cập nhật: 24/10/2014 13:57 | 0

Nín thở xem Arsenal ngược dòng kỳ vĩ trước Anderlecht, gợi nhớ cú ngược dòng lịch sử của M.U trước Bayern Munich ở trận chung kết Champions League 1999. Kịch bản giống nhau (bị dẫn 0-1, ghi 2 bàn ở những phút chót hiệp 2) nhưng tính chất hoàn toàn khác nhau.

Bình luận Arsenal: Đi trước về sau
Bình luận Arsenal: Đi trước về sau
Arsenal của Wenger chỉ gặp một đội xoàng ở vòng bảng Champions League, trong khi M.U của Alex Ferguson đụng “thứ dữ” ở trận đấu phân định đội vô địch châu lục.
 
Một thời, Wenger từng là đối trọng đáng gờm của Ferguson nhưng chắc chắn khi HLV người Pháp giải nghệ, bảng thành tích của ông sẽ nghèo nàn hơn hẳn cựu HLV của M.U. Ferguson vừa “khen đểu” Wenger trong cuốn tự truyện của mình, mà rằng “tôi mừng đến rớt nước mắt khi Wenger đoạt Cúp FA mùa vừa rồi”. 
 
Trong khi Ferguson hầu như mùa nào cũng có danh hiệu kể từ khi bắt đầu kỷ nguyên Premier League và Champions League, Wenger phải đợi 9 năm mới có 1 chiếc cúp. Vì sao Wenger tụt hậu trong khi Ferguson (lớn tuổi hơn Wenger) vẫn thành công cho đến khi từ giã sự nghiệp huấn luyện khi đã ngoài 70 tuổi?
 
Thật ra chẳng cần so sánh với Ferguson là HLV thành công nhất trong lịch sử bóng đá Anh, Wenger còn đang tụt hậu so với nhiều hậu bối tiêu biểu như Jose Mourinho. Brendan Rodgers (Liverpool) đã qua mặt Wenger mùa trước. Mauricio Pochettino (Tottenham) hay Roberto Martinez (Everton) cũng có thể làm điều tương tự mùa này. 
 
 
Wenger kỷ niệm sinh nhật thứ 65, gần tròn 2 thập kỷ kể từ khi HLV người Pháp đến với môi trường bóng đá Anh. Ở giai đoạn khởi đầu (1996 - 2005), Wenger chẳng những cực kỳ thành công mà còn tạo ra những cuộc cách mạng mang tính bước ngoặt đối với Arsenal nói riêng ảnh hưởng đến cách làm và quan niệm bóng đá của nước Anh nói chung. Khi ấy, Wenger chẳng khác gì Steve Jobs với thương hiệu số 1 thế giới thuộc mọi lĩnh vực.  
 
Phải chăng, tài hoa thường bạc mệnh. Jobs qua đời khi chưa già, kéo theo dấu hỏi về tương lai của hãng Apple. Không phải ngẫu nhiên khi những sản phẩm công nghệ gần đây của Apple không còn thành công rực rỡ như trước, vì Tim Cook không phải Steve Jobs.
 
Nhưng “Steve Jobs của Arsenal” vẫn còn đó. Chỉ có khác, là khi đi trai tráng khi về bủng beo?! Wenger giờ đã là “trưởng lão” trong làng HLV tại Premier League cũng như Champions League, nhưng đang bị những đàn em như Mourinho hoặc những anh hào trẻ như Pep Guardiola, Diego Simeone, Juergen Klopp xem thường. 
 
Kết quả thi đấu nghèo nàn cùng lối chơi thiếu lửa, mất đi vẻ đẹp vốn có của Arsenal cho thấy Wenger dường như đã hết ý tưởng. Thay vì sáng tạo những chiêu thức mới, Wenger lại bắt chước những công thức cũ của kẻ khác, nhưng không thành công. Ví dụ, Pháo thủ bắt đầu chịu mua cầu thủ giá khủng, nhưng món hàng trị giá 42,5 triệu bảng Mesut Oezil đang trở thành gánh nặng thay vì là niềm hoan lạc như thuở ban đầu. 
 
Khá khen cho Arsenal khi liên tiếp có những cuộc ngược dòng ở mùa này (trước Everton, Tottenham, Man City ở Premier League, hay trước Anderlecht ở Champions League). Một thời, Pháo thủ bị xem là yếu bóng vía, hay thua ngược như trận chung kết Champions League 2006. Quả là trái ngang cho Arsenal, đúng như câu “hạnh phúc như chiếc chăn hẹp đắp đầu lòi đuôi”. 
 
Khi Arsenal có đầy đủ sức mạnh chinh phục Champions League như gần chục năm trước, thì tinh thần thi đấu lại kém. Bây giờ, tinh thần lên cao thì chất lượng đội ngũ lại kém quá xa so với những anh hào hàng đầu châu Âu. Arsenal tự hào không thiếu tiền, tự hào vì có một HLV giỏi giàu kinh nghiệm. Nhưng qua những gì Arsenal thể hiện trong những năm gần đây, khó có thể kể tên Wenger vào hàng ngũ danh tướng hàng đầu thế giới. Nếu muốn lột xác nhằm hy vọng cạnh tranh ngôi cao ở Anh cũng như châu Âu, đã đến lúc Arsenal nói câu “anh rất tốt nhưng em rất tiếc” với Wenger. Đáng buồn là với Arsenal, Wenger được xem là tình yêu vĩnh cửu…     


(báo bóng đá)