Bong da

World Cup

Bình luận World Cup: Đời thay đổi khi ta thay đổi

Cập nhật: 16/07/2014 07:38 | 0

Nước Đức thống nhất phải mất 24 năm để vô địch World Cup. Nhưng sự chờ đợi rốt cục cũng cho trái ngọt, đấy là thành quả từ việc dám thay đổi và quyết liệt thay đổi của không chỉ đội tuyển Đức, mà còn của cả nền bóng đá Đức và xã hội Đức.

Bình luận World Cup: Đời thay đổi khi ta thay đổi
Bình luận World Cup: Đời thay đổi khi ta thay đổi
Tổng hợp tin chuyển nhượng ngày 15/7
Cập nhật danh sách chuyển nhượng mùa Hè 2014

Năm 1990, vẫn còn lâng lâng sau khi đánh bại Argentina trong trận chung kết World Cup, HLV của Tây Đức Franz Beckenbauer hào hứng trả lời câu hỏi về tương lai tuyển Đức khi có sự bổ sung của những cầu thủ Đông Đức: “Có thêm viện binh, chúng tôi sẽ bất khả chiến bại trong rất nhiều năm nữa”.

Lịch sử luôn có cách trừng phạt những phát ngôn quá tự tin như thế. Đội tuyển Đức thống nhất đã vô địch EURO 1996, về nhì World Cup 2002, nhưng nhìn chung là thất bại toàn diện sau 1990. Sự hòa hợp, không chỉ trong bóng đá, cũng chưa bao giờ dễ dàng với người Đức. Thay cho viễn cảnh tươi sáng mà Helmut Kohl vạch ra, cũng là một tuyên bố quá tự tin như Beckenbauer, nước Đức bỗng trở nên hoang mang trong những năm đầu hòa hợp với tỷ lệ thất nghiệp cao, các thủ tục hợp nhất ngốn của chính phủ một ngân sách khổng lồ và sự trỗi dậy tạm thời của những kẻ bài ngoại.

Từ Steffen Freund, Ulf Kristen cho đến Michael Ballack, những cầu thủ sinh ra tại Đông Đức đã tìm được chỗ đứng ở đội tuyển Đức, nhưng kết quả không đến. Thậm chí Ballack còn bị xem là biểu tượng của thất bại. Cấu trúc của LĐBĐ Đức (DFB) bê nguyên si từ mô hình của Tây Đức mau chóng cho thấy sự lỗi thời. Năm 2000, đội tuyển Đức “bất khả chiến bại” theo mô tả của Beckenbauer chạm đáy khi không vượt qua nổi vòng bảng của EURO, rời giải mà không thắng được trận nào.

Mario Goetze ghi bàn quyết định giúp Đức vô địch World Cup 2014

Nhưng nếu có thứ gì đó mà thế giới học ở người Đức thì đấy là việc họ dám thay đổi và nỗ lực thay đổi đến tận cùng. Từ khi thiên niên kỷ mới mở ra, người ta nhận thấy sự chuyển mình rất rõ của bóng đá Đức và xã hội Đức. Quyết tâm rũ bỏ mô hình cũ kỹ của Tây Đức, Đức bước vào một thời kỳ mới với chính sách được gọi là phép lạ mang tên “Chương trình nghị sự 2010” (Agenda 2010), được thông qua bởi Thủ tướng Gerhard Schroeder. 

Đấy là chương trình cải cách thị trường lao động, tạo ra một khu vực có mức lương thấp, bãi bỏ nhiều quy định và linh hoạt hóa thị trường việc làm. Hiện nay nước Đức có hơn 42 triệu người có việc làm, con số cao nhất kể từ sau Thế chiến thứ 2. Tất nhiên có nhiều người bị ảnh hưởng bởi chương trình này, nhưng tính ưu việt của nó là quá rõ ràng: giúp kinh tế Đức vẫn tăng trưởng ổn định, ngân sách dày lên theo thời gian bất chấp cơn khủng hoảng kinh tế thế giới.

Bóng đá Đức chính là hình ảnh thu nhỏ của xã hội Đức. Đầu thiên kỷ mới, các CLB Bundesliga buộc phải đầu tư vào đào tạo trẻ, tiền được rót rất nhiều cho việc đào tạo các HLV, chuyển đổi trọng tâm huyến luyện: thay vì nhấn vào thể lực thì tập trung vào kỹ năng chơi bóng. Cầu thủ Đức bây giờ mềm mại hơn, kỹ thuật hơn chính là nhờ thay đổi ấy.

Khi Đức đăng cai World Cup 2006, người ta nhìn thấy một Mannschaft hoàn toàn mới, đấy là những thành quả bước đầu của nỗ lực thay đổi mà đỉnh cao của nó là chức vô địch vừa qua. Hàng tiền vệ Đức tại Brazil gồm Schweinsteiger, Mueller, Khedira, Oezil và Kroos, hai người Tây Đức, hai người nhập cư và một người Đông Đức. 

Với Đức, chức vô địch World Cup 2014 hoàn toàn không phải là câu chuyện thần tiên nào cả. Đấy là kết quả một niềm tin: đời thay đổi khi ta thay đổi. 


(báo bóng đá)