Bong da

Tin tức bóng đá

Cơn sốt Harry Kane & bộ mặt thật của bóng đá Anh: Ngoài "chém gió", người Anh có gì?

Cập nhật: 05/04/2015 09:19 | 0

Trong lúc người Anh đang tung hô Harry Kane lên tận mây xanh và lại tiếp tục mơ về 1 danh hiệu lớn trong tương lai gần, họ không hề nhớ tới việc các CLB Anh sạch bóng trước vòng tứ kết 2 Cúp châu Âu mùa này. Thêm một minh chứng nữa cho thấy thói quen tự huyễn hoặc thái quá của người Anh, một căn bệnh đã trở thành kinh niên.

Cơn sốt Harry Kane & bộ mặt thật của bóng đá Anh: Ngoài
Cơn sốt Harry Kane & bộ mặt thật của bóng đá Anh: Ngoài "chém gió", người Anh có gì?
BƠM THỔI QUÁ ĐÀ
Đang có một cơn cuồng phong quét qua nước Anh và khiến cho người dân nơi đây như phát cuồng về nó. Cơn cuồng phong ấy mang tên Harry Kane. Báo chí viết về Kane với tần suất dày đặc cho dù anh chỉ vừa ghi bàn nâng tỷ số lên 4-0 trong trận đấu vòng loại EURO 2016 với Lithuania. Một pha ghi bàn vô nghĩa về mặt chuyên môn, chỉ đơn thuần là tạo một khởi đầu hứa hẹn cho một cầu thủ trẻ mà thôi.

Nhưng báo Anh viết về sự kiện ấy như thể đấy là một pha ghi bàn trong trận chung kết World Cup. Họ gọi anh là “Hoàng tử”, chơi chữ Harry Kane thành “Hurry Kane” (Cơn cuồng phong) và dự báo anh sẽ là ngôi sao mang Anh đến bến bờ vinh quang của EURO 2016.

Mùa Hè năm ngoái, Mario Goetze từ ghế dự bị vào sân ghi bàn duy nhất của trận chung kết World Cup, mang nước Đức đến tột đỉnh vinh quang. Nhưng người Đức không đưa Goetze lên 9 tầng mây. Họ cũng ca ngợi, nhưng rất chừng mực. Họ biết đấy là chiến quả của cả một tập thể và Goetze may mắn là “người được chọn” để vẽ nên một dấu son lịch sử mà thôi.


Khi Kane ghi bàn vào lưới Lithuania, anh trẻ hơn 163 ngày tuổi so với khi Goetze sút tung lưới Argentina. Nhưng những lời ca ngợi mà anh nhận được là gấp nghìn, gấp vạn. Nhìn cảnh ấy, những người tỉnh táo thấy lo hơn là thấy vui cho Kane.

Lo là bởi vì truyền thông Anh đã có thể nâng một người lên 9 tầng mây thì cũng có thể vùi người ta xuống 9 tầng địa ngục. Wilfried Zaha, Francis Jeffers, Jermaine Pennant, Michael Branch... là những ví dụ rất gần với Kane. Theo Walcott cũng từng được xưng tụng thế nào, giờ rốt cục chỉ là một cầu thủ hạng khá. 

Từ năm 1992 đến nay, đội tuyển Anh đã luân phiên dùng... 34 tiền đạo khác nhau, rốt cục chỉ có Michael Owen và Wayne Rooney là những cái tên thành công. Kane sẽ là Rooney mới hay Walcott mới? Chuyện ấy quả rất khó nói.

TÂM LÝ YẾU
Steven Gerrard, người vừa tổ chức trận đấu tri ân Liverpool, là một trong những người mạnh mẽ nhất chỉ trích áp lực của truyền thông dành cho những cầu thủ trẻ. Nhìn vào những gì mà Kane hay Raheem Sterling, Ross Barkley đang phải trải qua, Gerrard thẳng thắn phê bình: “Có lẽ đất nước này có lỗi vì đã đặt quá nhiều áp lực lên những cá nhân. Truyền thông và các nhà bình luận luôn cố xây dựng hình ảnh anh hùng cho một ai đó và hy vọng họ sẽ khiến cho cả nước Anh hạnh phúc tại một kỳ giải lớn nào đó”.

Bản thân Gerrard cũng là một cầu thủ không giỏi chịu áp lực. Trước trận đấu tri ân mà anh tổ chức chung với người đồng đội cũ Jamie Carragher, Gerrard đã kịp gây tiếng vang với một trong những chiếc thẻ đỏ nhanh nhất trong lịch sử Premier League. Vừa vào sân được vài chục giây, Gerrard giẫm lên chân của Ander Herrera và bị truất quyền thi đấu, khiến Liverpool mất quân kết thúc trận đấu với thất bại.


Trước đó 1 năm, cũng Gerrard, trong một trận đấu tối quan trọng khác với Chelsea, đã trượt chân rất vô duyên, khiến cho cơ hội vô địch của The Kop trôi theo dòng nước. Gerrard cũng vài lần xử lý tai hại như thế trong màu áo ĐT Anh. Gerrard chính là hình ảnh tiêu biểu cho thế hệ của Anh, một thế hệ được truyền thông bơm vá quá mức nhưng đều chơi tồi tệ khi ra World Cup hoặc EURO. 

Những sai lầm của Gerrard là bệnh chung của các cầu thủ Anh, họ quá yếu về mặt tâm lý, dẫn đến dễ phạm sai lầm hoặc hành xử bốc đồng khi chịu áp lực lớn. Người ta nhớ đến Rooney bởi những thẻ đỏ còn nhiều hơn là những pha ghi bàn của anh.

THỰC LỰC CÓ HẠN
Khi Gerrard lên tiếng đổ lỗi cho truyền thông làm hỏng cầu thủ trẻ và gây quá nhiều áp lực lên cá nhân, người ta chợt nhớ đến câu “vụng múa chê đất lệch”. Trên thực tế, cầu thủ Anh có trình độ thấp hơn các đồng nghiệp ở những quốc gia mạnh khác. Vì cầu thủ Anh có thực lực ở Anh quá ít nên giá chuyển nhượng của họ mới bị độn lên đến những con số quá sức phi lý. 

Chẳng hạn như Andy Carroll có giá 35 triệu bảng Anh, Luke Shaw 27 triệu, Adam Lallana 25 triệu, Darren Bent 18 triệu, Joleon Lescott 24 triệu... Bạn có nhớ Real Madrid đã chi bao nhiêu để có cầu thủ Anh hay nhất trong vòng 30 năm trở lại đây là Michael Owen? 8 triệu.

Trước đó, Real cũng chiêu mộ một cầu thủ Anh khác là Steve McManaman, nhưng theo dạng chuyển nhượng tự do. Còn lại, các CLB nước ngoài rất ít khi mua cầu thủ Anh. Bayern từng có Owen Hargreaves, nhưng anh này do chính họ đào tạo. Khi Gareth Bale sang Real, người ta từng phân tích rất nhiều về việc vì sao cầu thủ Anh nói riêng và Vương quốc Anh nói chung cực ít ra nước ngoài thi đấu. Đấy là vì họ sợ không thích nghi được, họ không giỏi cạnh tranh. 

Nhưng lý do quan trọng nhất: cầu thủ Anh không có đủ giá trị chuyên môn để được các CLB nước ngoài chú ý đến. Chẳng phải Steve McClaren, HLV từng làm việc ở nhiều nơi trên thế giới đã đúc kết là cầu thủ Anh cực kém về chiến thuật đó sao. Nếu không phải vì trình độ cầu thủ Anh có hạn, Fabio Capello đã không bỏ của chạy lấy người sau World Cup 2010.


(báo bóng đá)