Bong da

Tin tức bóng đá

Tự truyện 'Vượt qua giới hạn' của Luis Suarez (Kỳ 15): Cuộc chiến của... những bà mẹ

Cập nhật: 25/09/2015 15:11 | 0

Mùa giải 2013/14 đã trôi qua theo đúng kiểu mà chúng tôi mơ ước. Sáng ngày Chủ Nhật trọng đại của tháng 4, tôi đi dạo và nhìn vào đồng hồ. Không còn lâu nữa...

Tự truyện 'Vượt qua giới hạn' của Luis Suarez (Kỳ 15): Cuộc chiến của... những bà mẹ
Tự truyện 'Vượt qua giới hạn' của Luis Suarez (Kỳ 15): Cuộc chiến của... những bà mẹ
BẦU KHÔNG KHÍ SỤC SÔI
Hôm ấy là một ngày thật sự trọng đại của Liverpool. Bạn có thể nghe thấy, nhìn thấy và cảm nhận rõ điều đó. Mọi thứ đã được xây dựng trong suốt mấy tuần lễ trước đó và trận đấu ngày Chủ Nhật hôm ấy (với Man City) có thể định đoạt cả mùa bóng của chúng tôi. Mà đâu chỉ mùa bóng của chúng tôi, nhiều CĐV Liverpool cho biết họ đã chờ 20 năm cho những trận đấu kiểu như thế này.

Chúng tôi đang thật sự tiến gần đến vinh quang. Liverpool đã thắng một lèo 9 trận Premier League và cứ sau mỗi trận thắng, triển vọng vô địch lại càng trở nên sáng tỏ hơn. Đánh bại Man City, đừng nói là kết thúc mùa giải trong “Top 4” như Steven Gerrard đã hứa từ đầu mùa, chúng tôi thậm chí có thể vô địch.

Đấy cũng là điều mà các fan chờ đợi. Tôi nghe hàng nghìn người gửi gắm mình suốt vài tuần lễ trước đó: “Luis, chúng ta phải vô địch”. Các fan đã bắt đầu xếp hàng trước khách sạn của đội khi đá sân khách và trước Anfield khi đá sân nhà kể từ trận đấu với Sunderland hồi cuối tháng Ba. Tôi chưa từng thấy điều gì tương tự như thế từ khi đặt chân đến Anh. 

Vài ngày trước khi đấu với Man City, tôi vô tình gặp một nhóm fan tỏ ra hết sức kiên quyết: “Chúng ta phải hạ Man City”. Tôi chợt giật mình: “Nào nào, bình tĩnh lại đi chứ, còn đến 4-5 trận cơ mà”.

Các CĐV hét lên thông điệp ấy ở mọi nơi: “Chúng ta sẽ vô địch! Chúng ta sẽ vô địch”. Trời ơi. Đứng hát lên những lời như thế chứ. 
Chúng tôi không cần thêm áp lực cho dù chúng tôi hiểu rõ được sự phấn khích ấy. Tôi cũng là một CĐV. Tôi xem những trận đấu của Nacional cũng như CĐV Liverpool xem các trận đấu của The Kop vậy, đầy những đam mê và ngập tràn hy vọng. Các CĐV cũng dần khiến các cầu thủ tin vào triển vọng rực rỡ ấy, tôi không biết đây có phải là điều tốt hay không. Nhưng sau khi đánh bại Man City, Premier League chỉ còn lại 4 vòng, chính tôi cũng tin là đội nhà sẽ vô địch.


Đích đến đã ở rất gần. Chúng tôi lại vừa tiến một bước dài. Tôi cố không nghĩ về nó, sự mê tín cũng khiến các cầu thủ trong đội không ai dám đề cập đến nó. Nhưng không nói là một chuyện, nghĩ về nó là một chuyện khác. Cả bọn biết trận đấu với Man City sẽ rất quan trọng.

SỰ BÌNH TĨNH LẠ KỲ
Khi chiếc xe bus chở đội tiến đến Anfield vào sáng ngày diễn ra trận đấu, nó phải len qua một rừng người. Hàng nghìn fan xếp hàng dọc con đường vào sân, ca hát, vẫy cờ và khăn quàng. Có một vài lá cờ Uruguay lọt thỏm trong đó. Một số còn đốt cả pháo hoa. 

Về phần mình, chúng tôi cố duy trì thói quen thông thường trước mọi trận đấu. Tôi mang theo một chiếc loa nhỏ để bốn, năm người trong đội cùng nghe nhạc Tây Ban Nha, hoặc nhạc Uruguay. Tôi không dám bật to vì sợ có đồng đội không thấy thích. Ngồi quanh chiếc loa hôm ấy đều là những gương mặt quen thuộc: tôi, Iago Aspas, Coutinho, Lucas và Luis Aberto. 

Daniel Agger nhập bọn và phá ra cười. Steven Gerrard thì lùi hẳn về phía sau. Glen Johnson đeo tai nghe, Daniel Sturridge cũng thế. Ở một cái bàn gần cửa là Jon Flanagan, Joe Allen, Martin Kelly và Jordan Henderson, đang tụ tập nói chuyện. Ở gần cửa nhất là HLV trưởng. Thỉnh thoảng một vài trợ lý chuyền đến cho ông một vài đoạn video trên Ipad. Ông ta sẽ đến và chỉ cho tôi lẫn Gerrard thấy cách Man City chống các tình huống đá phạt cũng như thói quen của Joe Hart khi đứng trước chấm phạt đền.

Thế nhưng cho dù cố giữ nề nếp cũ, chúng tôi cũng không thể nào không hướng ra phía ngoài. Dù bịt tai nghe, cầu thủ vẫn phải liếc nhìn không gian rạo rực ngoài kia từ ô cửa sổ. Với nhiều cầu thủ, cảnh tượng ấy là một động lực to lớn. Nhưng với không ít người, đấy là điều kinh hoàng, bởi họ sợ sẽ làm cho đám đông ấy thất vọng. Nhưng chúng tôi hôm ấy cảm thấy bình tĩnh lạ kỳ.

Trong đường hầm dẫn ra sân, tôi đứng kế Philippe Coutinho và nói chuyện với cậu ấy. Chàng trai này lúc đó mới 21 tuổi và là một cầu thủ xuất sắc. Anh ấy nhận bóng và chỉ trong tích tắc đã đưa ra phương án xử lý ngay khi hậu vệ còn chưa kịp nhận ra điều gì. Nhưng khi không có bóng, Coutinho cảm thấy rất bức bối. Trước đây, có nhiều lần tôi tranh luận với cậu ấy về cách xử lý trên sân. Lần này, tôi đến cho lời khuyên: “Cậu không cần phải chứng minh điều gì nữa cả. Ai cũng biết Coutinho là một trong những tiền vệ hay nhất thế giới. Đừng xao nhãng, hãy tự tin, thư giãn và chơi bóng”.

Tôi cũng nói chuyện với Raheem Sterling nữa. Nếu tiếp tục trui rèn, Sterling có thể trở thành cầu thủ hay nhất thế giới trong những tình huống một đối một. Mới 19 tuổi, Sterling rất thích dốc bóng, nhưng tôi đã khuyên cậu ấy là phải biết tiết chế. Đối khi lập tức trả lại đường chuyền sẽ hiệu quả gấp bội so với dốc bóng một mình. Và Sterling tiến bộ không ngừng, những trận đấu lớn kiểu như thế này sẽ giúp cậu ấy. Stevie cũng nói chuyện với Sterling thường xuyên và cậu ta luôn tỏ ra cầu thị.


NHỮNG LÁ THƯ CỦA MẸ
Suốt 3 tháng trước đó, Brendan Rodgers cũng đã liên tục có những màn tâm lý với các cầu thủ để giúp họ duy trì khát vọng và sự tập trung. Ông ấy liên lạc với... mẹ của chúng tôi, từng người từng người một, yêu cầu họ viết một điều gì đó về con trai mình. Trước các trận đấu, Rodgers lại đọc một mẩu giấy mà một người mẹ ngẫu nhiên nào đó viết.

Rodgers đọc lên, nhưng ông không bao giờ nói đấy là mẹ của ai viết. Thế nhưng điều ấy thật sự khiến cả bọn xúc động. Một người mẹ đã viết như sau: “Con trai tôi đã muốn đá cho Liverpool khi nó mới 9 tuổi. Và bây giờ tôi hạnh phúc biết bao khi thấy nó sống trong giấc mơ của mình”. Một mẩu khác viết: “Mỗi lần đến Liverpool, tôi lại được thấy tình thương mến của mọi người dành cho con trai mình, tôi rất vui”.

Đôi khi, cuộc nói chuyện trước trận kết thúc với một câu đố: “Đấy là mẹ của ai”. Đôi khi, có những lời mà đọc lên là ta biết ngay của ai. Chẳng hạn một mẩu viết: “Con tôi chơi bóng trên đường phố Brazil khi nó còn nhỏ...” hay “Con tôi muốn làm thủ môn từ khi nó mới biết đi”. Rồi Rodgers cũng độc mẩu giấy của mẹ tôi: “Ở Uruguay, nhà nào cũng có một chiếc áo Liverpool”.

Khi chúng tôi tiến vào sân, mọi người làm lễ tưởng niệm cho các nạn nhân Hillsborough, diễn ra 1/4 thế kỷ trước đó. Tôi đã dành một phút mặc niệm rất nhiều lần trong đời, nhưng chưa bao giờ trải qua sự xúc động tương tự. Sau sự im lặng tôn nghiêm, Anfield như vỡ òa. Mọi người bước vào cuộc chiến.

Tỷ số trận đấu ấy là 3-2. Chúng tôi dẫn 2-0, bị đối phương gỡ lại 2-2 trước khi Coutinho ghi bàn quyết định, ấn định tỷ số 3-2. Đấy cũng là pha ghi bàn đẹp nhất mùa bóng. Bạn biết không, mẩu giấy của người mẹ mà Rodgers đọc lên hôm ấy chính là của Coutinho!

Bản lĩnh đàn anh
Tôi không biết vì sao mình lại quyết định nói chuyện với mọi người hôm ấy. Tôi không xem mình là lãnh đạo trong phòng thay quần áo, nhưng tôi đã ở Liverpool khá lâu. 21 tuổi tôi đã dự World Cup và Copa America cùng đội tuyển Uruguay, tôi biết khi được một đàn anh đến trấn an trước các trận đấu, cảm giác sẽ thoải mái như thế nào. Và bây giờ tôi cũng muốn giúp các cầu thủ trẻ hơn của Liverpool cảm thấy an tâm một chút. Tôi nói vài điều với họ trước khi cả đám bước vào đường hầm ra sân.
(Còn nữa)




(báo bóng đá)