Bong da

Châu Mỹ

Nghịch lý Copa America: Brazil không thích 'tắm ao nhà'

Cập nhật: 14/06/2015 09:38 | 0

Với dân số chỉ hơn phân nửa so với... Singapore, Uruguay lại là cường quốc đang giữ kỷ lục 15 lần vô địch Nam Mỹ. Ngược lại, Brazil với 5 lần vô địch World Cup lại chỉ mới lên ngôi 8 lần ở lục địa của họ. Vì sao có chuyện lạ lùng?

Nghịch lý Copa America: Brazil không thích 'tắm ao nhà'
Nghịch lý Copa America: Brazil không thích 'tắm ao nhà'
VẤN ĐỀ THỜI THẾ
Không phải ngẫu nhiên mà Uruguay vô địch ngay kỳ World Cup đầu tiên (1930). Đấy thực sự là cường quốc bóng đá số 1 thế giới khi ấy. Uruguay còn vô địch bóng đá Olympic liên tiếp trong các năm 1924, 1928. Vậy nên, không có gì lạ khi Uruguay vô địch Nam Mỹ đến 6 trong 10 lần giải đầu tiên, giai đoạn mà giải này được tổ chức... hàng năm.

Bóng đá Brazil thì ai cũng biết, nhưng thế giới biết đến nền bóng đá từng 5 lần vô địch World Cup từ khi nào? World Cup 1958, nghĩa là gần 30 năm sau khi Uruguay vô địch World Cup lần đầu, hoặc đã 8 năm sau khi Uruguay 2 lần vô địch World Cup, lần sau là chiến thắng oanh liệt ngay trên “thánh địa” Maracana của Brazil?

Thật ra, Brazil cũng đã là một đội mạnh tầm cỡ thế giới từ lúc họ sang Pháp dự World Cup 1938, với màn tâng bóng đầy kỹ thuật khi ra mắt báo giới, và với Leonidas được xem là ngôi sao đầu tiên nâng cú “ngả bàn đèn” lên hàng nghệ thuật trong môn thể thao vua. 

Nhưng hãy lưu ý: Leonidas là một trong những cầu thủ da đen đầu tiên được khoác áo đội tuyển Brazil. Chỉ từ khi chấp nhận cho các cầu thủ da đen chơi bóng, nghĩa là từ giữa thập niên 1930 trở đi, bóng đá Brazil mới được nâng chất. Lịch sử bóng đá Brazil chắc chắn đã khác rất xa nếu không có phẩm chất tuyệt vời của các ngôi sao da đen như Leonidas, Zizinho, Didi, Pele...

Trước khi bóng đá Brazil “chuyển mình”, chỉ có Argentina và Uruguay làm đối trọng cho nhau trong làng cầu Nam Mỹ. Montevideo và Buenos Aires mới là hai chiếc nôi đáng kể đầu tiên của bóng đá Nam Mỹ. Các thành phố này nằm đối diện nhau qua dòng sông bạc River Plate nên dễ dàng “giao lưu bóng đá”. 


Argentina và Uruguay cũng đã thường xuyên gặp nhau ở Lipton Cup và Newton Cup trước khi giải Vô địch Nam Mỹ xuất hiện. Chính Argentina là đối thủ của Uruguay trong trận chung kết World Cup đầu tiên, năm 1930. Và đấy chẳng qua là sự lặp lại của trận chung kết Olympic 1928!

CHUYỆN LẠ BRAZIL, KHÔNG PHẢI CHUYỆN CỦA COPA!
Ở châu Âu, Celtic từng đoạt Cúp C1 năm 1967 bằng lực lượng gồm toàn các cầu thủ do họ đào tạo, sinh trưởng ngay trong thành phố Glasgow. Bóng đá ngày xưa là như vậy, nên Uruguay dù chỉ là một nước nhỏ vẫn dễ dàng thống trị làng cầu Nam Mỹ trong thuở sơ khai. Ngoài ra, còn có những nguyên nhân khác khiến siêu cường Brazil chỉ có thành tích khiêm tốn trong lịch sử Copa America.

Khi Pele và đồng đội lên ngôi vô địch World Cup 1970, đoạt vĩnh viễn Cúp Jules Rimet, đấy lại là lúc giải Vô địch Nam Mỹ đang bị... tạm quên. Không có giải đấu nào từ sau năm 1967 đến trước năm 1975. Brazil rút tên ở giải 1967. 

Còn tại giải 1963, ngay sau khi Brazil vô địch World Cup 2 lần liên tiếp, họ chỉ cử một đội bóng “phong trào” thi đấu và đứng thứ 4. Đừng mất công truy tìm những cái tên như Pele, Garrincha, Didi, Vava, Nilton Santos, Djalma Santos, Bellini... trong danh sách đội tuyển Brazil ở giải Vô địch Nam Mỹ 1963. Trước nữa, “đội tuyển Brazil” sang Ecuador dự giải Vô địch Nam Mỹ 1959 thật ra là đội bóng của bang Pernambuco - thậm chí không phải là bang có tên tuổi trong làng cầu Brazil!

Đấy là chuyện lạ, nhưng là chuyện lạ của nền bóng đá Brazil vốn đầy ắp những sự kỳ dị, hơn là chuyện lạ của Copa America. Người Brazil chỉ quan tâm mỗi World Cup, còn các ngôi sao Brazil ngày xưa lại thích cùng CLB của họ đi du đấu khắp nơi, với những bản hợp đồng hấp dẫn, hơn là khoác áo ĐTQG dự giải Vô địch Nam Mỹ. 

Cứ mặc kệ Argentina tranh hùng với Uruguay ở sân chơi ấy. Tất nhiên, mỗi khi Brazil đăng cai, mọi chuyện lại khác. Trên sân nhà, Brazil luôn vô địch. Nhưng Brazil xưa nay chỉ “chịu” làm chủ nhà 4 lần - quá ít so với 16 lần giải từng diễn ra ở Argentina hoặc Uruguay!


ĐA SÂN NHÀ LÀ RINH CÚP
Tính cả thời kỳ trước khi giải đấu mang tên Copa America, Brazil mới làm chủ nhà 4 lần (vào các năm 1919, 1922, 1949, 1989). Họ đã vô địch cả 4 giải ấy. Uruguay đã đăng cai 7 lần (1917, 1923, 1924, 1942, 1956, 1967, 1995). Họ cũng vô địch trong cả 7 giải ấy.

Tóm lại, chức vô địch chưa bao giờ thoát khỏi tay đội chủ nhà trong 11 lần giải ở Uruguay và Brazil. Trong khía cạnh này, Argentina coi như lép vế khi họ “chỉ” vô địch ở 6 trong 9 lần làm chủ nhà (1921, 1925, 1929, 1937, 1946, 1959). Lần duy nhất Argentina đăng cai Copa America mà không vào nổi “Top 4” chính là lần giải 2011 vừa qua. 

Đấy là sự kiện vô cùng hy hữu. Đã có 43 lần giải trong 99 năm qua, trong đó chỉ có 6 lần đội chủ nhà không lọt vào “Top 4”. (Gọi là “Top 4” chứ không phải bán kết vì trước thời kỳ Copa America, giải Vô địch Nam Mỹ diễn ra theo thể thức vòng tròn).

Mãi đến năm 2001, Colombia mới lần đầu tiên làm chủ nhà. Đấy cũng là lần đầu tiên (và duy nhất cho đến nay) Colombia lên ngôi vô địch Nam Mỹ (ảnh). Bolivia cũng chỉ lên ngôi vô địch 1 lần duy nhất, và không có gì lạ khi đấy chính là lần giải mà Bolivia là đội chủ nhà. Ngoài giải 1963, Bolivia còn làm chủ nhà trong một lần khác, đó là giải năm 1997. Khi ấy, họ cũng vào tận chung kết.

Tổng cộng, 3 cường quốc bóng đá Nam Mỹ là Brazil, Argentina, Uruguay đã về nhì đến 29 lần. Chỉ có một lần duy nhất trong 29 lần ấy, các đội này về nhì... trên sân nhà (Argentina năm 1916).




(báo bóng đá)