Bong da

Anh

Chelsea: Bão Latinh ở Stamford Bridge

Cập nhật: 26/01/2015 00:19 | 0

Cuộc đổ bộ của các cầu thủ xứ Latinh lên đảo quốc Sương mù chẳng còn là điều quá mới lạ với Premier League, và tất nhiên một đội bóng giàu tham vọng như Chelsea không thể nằm ngoài guồng quay ấy. Tuy vậy, mùa giải này chứng kiến thế thượng phong nhất của liên minh Brazil - Tây Ban Nha ở Stamford Bridge trong nhiều năm trở lại đây.

Chelsea: Bão Latinh ở Stamford Bridge
Chelsea: Bão Latinh ở Stamford Bridge
“Kỷ nguyên mới” của hàng tấn công.
Chelsea của “triều đại Mourinho” lần thứ hai vẫn giữ trọn bản sắc như hình ảnh của chính họ trong ngày đầu tiên Người đặc biệt cập bến Stamford Bridge: phòng ngự khoa học, phản công chớp nhoáng và thực dụng tuyệt đối. 27 bàn thua (hàng thủ tốt nhất Premier League mùa trước) và 19 bàn thua/ 22 vòng mùa này là minh chứng rõ ràng nhất cho luận điệu này. Bộ tứ vệ phòng ngự của Mourinho vẫn vậy: một chút thuần Anh của Terry – Gary Cahill và tinh thần chiến binh mà Azpilicueta hay Ivanovic sở hữu. Dẫu vậy, ở trên mặt trận tấn công, mọi chuyện không còn đơn giản như trước nữa.

Ở nhiệm kỳ đầu, hàng tiền vệ và tiền đạo của Chelsea là hiện thân của tốc độ, cơ bắp và một chút lắt léo. Michael Ballack, Damien Duff, Robben, Joe Cole hay Jimmy Floyd-Hasselbaink mang đậm đặc phong cách chơi bóng châu Âu ngay từ trong huyết quản. Song ở lần trở lại này, một đội hình Chelsea cho “cả thập kỷ thống trị” đã được khoác lên mình chiếc áo mới. Dưới thời của Mourinho, lần lượt Cesc Fabregas, Diego Costa (TBN), Willian, Filipe Luis (Brazil) ồ ạt cập bến Stamford Bridge, kết hợp với Oscar (Brazil) tạo thành những “cột trụ” của The Blues.


Costa, Fabregas và Filipe Luis - 3 cầu thủ Latinh cập bến Chelsea mùa Hè năm ngoái

Sự góp mặt của nhóm cầu thủ Latinh còn giúp cho Chelsea vượt trội so với chính họ ở mùa giải trước. Đội bóng tây London về đích thứ 3, nhưng số bàn thắng họ ghi được (71 bàn) quá khiêm tốn nếu đặt cạnh Man City (102 bàn) và Liverpool (101 bàn). Khả năng tấn công kém cỏi trong các trận cầu nhỏ đã khiến Chelsea không chạm tay được vào chức vô địch, dẫu cho họ là “vua đại chiến”. Mùa này, sức mạnh tấn công của The Blues đã khác xa. Hiệu suất ghi bàn tăng (2,32 so với 1,86), số trận ghi 5 bàn trở lên là 5 trận (so với… 1 trận mùa trước). Quan trọng hơn cả, Chelsea xây chắc ngôi đầu bảng và “ngồi” trên đó suốt 22 vòng đấu qua. Bản thân các tân binh Latinh cũng khiến các đồng nghiệp phải trầm trồ khi họ vừa mới khoác lên mình màu áo mới. Diego Costa có số pha lập công gần bằng… cả hàng tiền đạo Chelsea mùa trước (17 so với 19). Fabregas kiến tạo gấp đôi Hazard mùa vừa qua khi mới chỉ qua 22 vòng.

Rõ ràng, những gì mà “xứ Latinh” làm được ở Chelsea cho đến lúc này đủ khiến Mourinho cảm thấy “hạnh phúc” như chính biệt danh “Người hạnh phúc” ông tự phong cho mình trong buổi ra mắt.

“Không Latinh” thất thế
Ở một tập thể đa quốc tịch như Chelsea, việc chia nhóm cầu thủ chẳng phải điều đơn giản. Nhưng mùa này lại là câu chuyện khác. Ở Stamford Bridge hiện tại chỉ có 2 nhóm người: Latinh và… không Latinh, mà ít nhất trên hàng công, các cầu thủ không Latinh gần như không còn chỗ đứng. Eden Hazard là cái tên duy nhất còn sót lại, song lối chơi của tiền vệ người Bỉ lại mang đậm chất Latinh (lắt léo, tinh quái, kỹ thuật) hơn là chấu Âu thuần chất. Điểm mạnh của các cầu thủ Latinh ở chỗ: sự “quái” và đa dạng giúp họ có thể dễ dàng thích nghi với nhiều hệ thống chiến thuật, lối chơi và gây ra nhiều khó khăn cho những hàng phòng ngự co cụm. Một “nghệ sĩ” điển hình như Oscar có thể biến thành “đấu sĩ” khi cần với 3 lần giải nguy và 1,1 pha tranh chấp mỗi trận. Hay Chelsea “Latinh” ghi tới 25 bàn vào lưới các đội nửa dưới BXH, điều mà mùa trước họ “nằm mơ” cũng không thấy được.


Schuerrle (phải) mất chỗ vì không thể cạnh tranh được với nhóm cầu thủ Latinh

Trớ trêu thay, điểm mạnh của các cầu thủ Latinh lại là điều mà nhóm “không Latinh” không có được. Andre Schuerrle hay Salah dựa quá nhiều vào tốc độ và cảm hứng, còn Loic Remy là dự bị của… dự bị (cho Diego Costa và Drobga). Đóng góp của bộ ba này cũng quá hạn chế, với chỉ 26 lần ra sân, ghi 5 bàn và có… 0 kiến tạo. 2/3 trong số này đang nhấp nhổm ra đi, để minh hoạ thêm cho sự thất thế của nhóm “không Latinh” trên mặt trận tấn công mà Chelsea đang sở hữu. Hai mục tiêu thay thế của đội chủ sân Stamford Bridge lại là… “xứ Latinh” với những Cuadrado (Colombia) hay Douglas Costa (Brazil). Sau 1 thập kỷ, kỷ nguyên Latinh đã dần áp đặt được sự thống trị.

Cách mạng bán phần
Mặc dù vậy, nhóm cầu thủ TBN – Brazil chỉ tạo được dấu ấn trên mặt trận tấn công, chứ không phải phòng ngự. Trừ Azpilicueta, hệ thống phòng thủ của Chelsea vẫn có kết cấu vững chắc dựa trên chất châu Âu truyền thống. Phong cách thi đấu nghệ sĩ là điều cấm kỵ với hậu vệ, mà các hậu vệ Latinh cũng chẳng lấy gì làm chắc chắn. Hãy nhìn cách Brazil thảm bại 1-7 trước Đức, hay TBN thua 7 bàn/2 trận ở World Cup thì rõ.

Nói tóm lại, Chelsea hiện tại là sự tổng hoà hợp lý từ sự chắc chắn của “lục địa già” và thăng hoa của hàng tấn công xứ Latinh, đó cũng là điều khác biệt mà Mourinho tạo ra ở nhiệm kỳ hai này: nhiệm kỳ sẽ mang lại thành công vững bền như chính lời hứa của Người hạnh phúc. Đó cũng là xu hướng chung hiện tại của Premier League – nền bóng đá đã chấp nhận mở cửa để đổi mới, thay vì sự bảo thủ như quá khứ đã từng.


(báo bóng đá)