Bong da

Quốc tế

Lee Nguyễn được triệu tập trở lại ĐTQG Mỹ: Truyền nhân của Landon Donovan

Cập nhật: 01/12/2014 00:18 | 0

Chỉ trước sau vài ngày, Landon Donovan tuyên bố từ giã ĐT Mỹ, và Lee Nguyễn trở lại với rất nhiều kỳ vọng cùng đội bóng của HLV Juergen Klinsmann. Nhiều người đánh giá, cựu trung phong của CLB Hoàng Anh Gia Lai và Becamex Bình Dương này xứng đáng là truyền nhân của Donovan, đủ sức gánh vác vai trò của bậc đàn anh tại ĐT Mỹ.

Lee Nguyễn được triệu tập trở lại ĐTQG Mỹ: Truyền nhân của Landon Donovan
Lee Nguyễn được triệu tập trở lại ĐTQG Mỹ: Truyền nhân của Landon Donovan
LỜI CHIA TAY CỦA DONOVAN
Anh từng là một trong những cầu thủ tài năng nhất của bóng đá Mỹ, nhưng ở tuổi 32, sau quá nhiều căng thẳng, sau khi cuộc hôn nhân ngôi sao của anh tan vỡ (với ngôi sao truyền hình Mỹ Bianca Kajlich) và sau 4 tháng tạm xa lánh bóng đá mùa giải 2012/13, Donovan vẫn không thể tìm lại niềm vui và cảm hứng, để rồi đi tới quyết định chia tay.
 
“Các cầu thủ bóng đá đều bị nhìn như thế, bởi các CĐV, HLV, giới truyền thông, ông chủ. Họ đều muốn chúng tôi sống, thở, ăn và chết với bóng đá” - Donovan giải thích - “Tôi cho rằng, nhiều VĐV thể thao sẽ thấy mệt mỏi vì điều đó”. 
 
Với CLB thì anh chưa dứt khoát. Anh vẫn có thể tiếp tục chơi bóng sau khi mùa giải Major League Soccer này kết thúc. Donovan đã chứng tỏ anh vẫn còn làm được những gì khi có đường kiến tạo dẫn tới một bàn thắng trong chiến thắng 5-0 của L.A Galaxy trước Real Salt Lake ở bán kết VCK MLS mới đây.
“Đó là phần gây mệt mỏi, vì họ đặt các cầu thủ vào trong những chiếc hộp” - Donovan nói - “Và họ muốn bạn lúc nào cũng là người hùng”. Sự chán nản đó có lẽ là quan trọng hơn lý do chuyên môn, khiến Klinsmann đã loại Donovan khỏi đội hình dự World Cup ở Brazil mùa Hè vừa rồi. 
 
 
Donovan từng khác hẳn. Khi anh lớn lên ở Redlands, California, cách Los Angeles khoảng 80 km về phía Đông, anh có một chiếc áo phông với dòng chữ: “Bóng đá là cuộc đời. Còn lại là chuyện nhỏ”. Khi đó thì đúng là như thế. Donovan lớn lên trong một gia đình có bố mẹ ly dị, với người anh Joshn, hơn anh 3 tuổi, và cô em gái sinh đôi Tristan. Donovan không muốn trở thành cầu thủ chuyên nghiệp khi lớn lên, đơn giản là anh yêu bóng đá.
 
Mẹ anh, bà Donna Kenney Cash, một giáo viên cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt đã về hưu, thừa nhận tài năng của con trai, nhưng tỏ ra thận trọng về việc để cậu bé chơi chuyên nghiệp. Bà đã buộc Donovan học đàn violin và tiếng TBN, luôn tự hào vì cậu là một học sinh loại A ở trường. “Tôi không muốn đặt mọi quả trứng vào một rổ, vì cuộc đời không chỉ là bóng đá” - bà Kenney Cash nói.
 
Miễn cưỡng lắm bà mới để con trai tới Brandenton, Florida khi cậu 16 tuổi để theo khóa huấn luyện đặc biệt của LĐBĐ Mỹ, trước khi chuyển sang Đức cho CLB Bayer Leverkusen theo một hợp đồng 6 năm khi mới 17. Nhưng sự nghiệp chuyên nghiệp càng thăng tiến, thì niềm vui chơi bóng của Donovan lại càng nhỏ bé đi.
 
“Sau World Cup 2006, lần đầu tiên tôi nhận ra rõ ràng đây là một ngành kinh doanh” - Donovan nói - “Tôi thật ngớ ngẩn khi nghĩ rằng đã có những người thật sự yêu mến tôi nồng nhiệt. Sau một kỳ World Cup tệ hại, ngay lập tức bạn không còn được yêu mến nữa. Điều đó khiến tôi rất buồn”.
 
Donovan nói sự buồn nản đã khiến anh phải nỗ lực rất nhiều, và cả sự ủng hộ vô điều kiện của gia đình và bạn bè, để có thể tới được World Cup 2010, giải đấu có lẽ là đỉnh cao của anh. “Tôi đã dành rất nhiều thời gian cho trị liệu, để tìm hiểu lại bản thân, để nhận thức rõ ràng hơn và để không phản ứng thái quá” - Donovan nói - “Nên 2010 là cơ hội để tôi thể hiện mình, quên đi tất cả, và tôi đã làm được”.
 
Nhưng giờ đã tới lúc khép lại tất cả. “Thành thật mà nói, động cơ chơi bóng của cậu ấy vài năm qua chỉ là tài chính chứ không gì khác” - Bruce Arena, cựu HLV ĐT Mỹ, nói về Donovan, người kiếm được 4,58 triệu USD trong mùa giải MLS này - “Landon luôn nói về việc sẽ giải nghệ sớm, và tôi nghĩ lúc này chính là thời điểm hoàn hảo cho điều đó”.
 
NGƯỜI KẾ TỤC MANG DÒNG MÁU VIỆT
Giống như Donovan, Lee Nguyễn cũng biết rõ cảm giác của một ngôi sao được ngưỡng mộ vô điều kiện ra sao. Hơn 40 năm sau khi gia đình rời Việt Nam sang định cư ở Texas, nơi anh ra đời và sau vài chuyến đi tới châu Âu, anh mới được biết đến quê hương mình năm 2009.
 
 
“Ngay khi tôi đặt chân xuống, ở đâu cũng thấy toàn là người” - Lee Nguyễn, hiện đang là một ngôi sao của đội New England Revolution ở MLS, nói về cuộc phiêu lưu với Hoàng Anh Gia Lai trên báo The New York Times - “Tôi biết mình khá nổi tiếng ở Việt Nam, là cầu thủ gốc Việt đầu tiên chơi bóng ở châu Âu, nhưng các CĐV thật cuồng nhiệt”. 
 
Giờ các CĐV vẫn hát vang tên anh, nhưng là ở Mỹ. Chủ nhật trước, Lee Nguyễn và Revolution đã mở màn VCK giải miền Đông của MLS với chiến thắng 2-1 trước New York Red Bulls. New England lọt được vào VCK chủ yếu nhờ vào những đóng góp của Lee Nguyễn, được coi là mẫu tiền đạo mỏng cơm tại MLS (1,72 mét, nặng 68 kg), nhưng anh cũng là một trong những chân sút lợi hại nhất giải mùa vừa rồi, với 18 bàn thắng và 5 đường kiến tạo cho New England.
 
Mùa giải này đang hoàn tất một vòng tròn anh đã bắt đầu một thập kỷ trước khi rời Richardson, Texas, nơi Lee Nguyễn giành danh hiệu Cầu thủ cấp 3 xuất sắc nhất nước Mỹ khi chơi cho đội trường phổ thông của Đại học Indiana, rồi ngay sau đó là giải cầu thủ mới xuất sắc nhất của giải sinh viên toàn Mỹ NCAA 2005. 
 
 
Sau 1 năm học đại học, Lee Nguyễn chuyển sang chơi cho CLB Hà Lan PSV Eindhoven khi 19 tuổi. Nhưng như nhiều cầu thủ Mỹ triển vọng khác, anh gặp khó khăn và dần chuyển sang Randers, Đan Mạch, rồi Việt Nam, nơi báo chí theo dõi từng chuyển động của anh. Lee Nguyễn nói anh thấy vui và hãnh diện vì khoảng thời gian ở quê hương, nhưng sau 2 năm, anh đã trở về Mỹ.
 
Lee Nguyễn, có trận ra mắt ĐT Mỹ từ ghế dự bị trong trận gặp Trung Quốc tháng 6/2007, vừa được Klinsmann gọi lại cuối tuần rồi cho trận giao hữu gặp Colombia ở London. Ngày 14/11, anh có trận đầu tiên cho ĐT Mỹ sau 7 năm gián đoạn, vào sân từ ghế dự bị ở cuối trận, nhưng vẫn là một cơ hội tuyệt vời. Nguyễn đã 28 tuổi, có nghĩa World Cup sắp tới sẽ là cơ hội cuối cùng để anh ghi dấu ấn với ĐT Mỹ.
 
Jermaine Jones - Bệ phóng của Lee Nguyễn
Cùng với Revolution, Nguyễn đã thành công vượt bậc, một phần quan trọng nhờ vào sự có mặt của tiền vệ phòng ngự Jermaine Jones, 33 tuổi, tới CLB từ cuối tháng 8/2014. “Kể từ khi Jermaine Jones tới, anh ấy đã thay đổi đội bóng” - tiền đạo lừng danh Thierry Henry, hiện đang khoác áo Red Bulls, đối thủ của Revolution cuối tuần rồi, nói về đối thủ - “Anh ấy là người giúp những cầu thủ khác có thể yên tâm tấn công”.
 
 
Với Jones trên sân, Revolution kết thúc chuỗi 8 trận thua kéo dài từ 31/5 tới 26/7. Họ kết thúc mùa giải với thành tích 9 thắng, 1 hòa và 2 bại trong 12 trận cuối. Jones mang tới cho Lee Nguyễn và các thành viên khác của New England một cảm giác tin cậy mà họ thiếu trong phòng thay đồ. 
 
“Anh ấy là mẫu cầu thủ mà tôi muốn được chơi bên cạnh trong 2 năm qua”, Lee Nguyễn nói. “Anh ấy là tất cả những gì mà một số 8 cần. Anh ấy có cơ bắp và sức mạnh ở hàng tiền vệ. Đó là những gì chúng tôi cần. Nhưng anh ấy cũng khéo léo, chuyền bóng giỏi và giúp chúng tôi vượt qua đối thủ”.
 
 
 Lee Nguyễn: “Thật tuyệt vời vì được Juergen Klinsmann gọi lên tuyển. Tôi đã đánh cược lớn khi trở lại quê nhà, và mục tiêu lớn hơn của tôi là chứng tỏ mình, trở lại với ĐTQG là một phần thưởng nữa” 
 
Tốc độ, nhãn quan và sự khéo léo của Lee Nguyễn được phát huy tối đa và anh lọt vào danh sách rút gọn cho cuộc bầu chọn danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất mùa của MLS, cùng với Robbie Keane của L.A Galaxy và Obafemi Martins của Seattle Sounders. “Tôi hết sức hãnh diện và háo hức vì được đứng cạnh những tên tuổi lớn đã có một sự nghiệp bóng đá lừng lẫy” - Lee Nguyễn nói - “Tôi đã không thể có được vị trí đó nếu không có những đồng đội của mình”.
 


(báo bóng đá)