Bong da

Quốc tế

Nghệ thuật "săn đầu người": Đừng lóa mắt vì hào quang World Cup

Cập nhật: 23/07/2014 11:00 | 0

“Italia thất bại ư? Nói rằng tôi thất bại ở World Cup này thì đúng hơn”! Nếu bạn chưa hiểu vì sao ông chủ AC Milan Silvio Berlusconi lại nói như vậy, thì hãy nghe tiếp: “Tôi đã sắp bán được (Mario) Ballotelli sang Anh. Bây giờ, ai sẽ mua Balotelli sau khi xem World Cup 2014”!

Nghệ thuật
Nghệ thuật "săn đầu người": Đừng lóa mắt vì hào quang World Cup
* Tổng hợp chuyển nhượng ngày 18/7
* Cập nhật danh sách chuyển nhượng mùa Hè 2014

PHONG ĐỘ LÀ NHẤT THỜI
Nhìn vào những gì được thể hiện trên sân cỏ Brazil, bạn có thể ngộ nhận rằng các ngôi sao như Balotelli hoặc Cristiano Ronaldo có giá trị không bằng một nửa Joel Campbell (Costa Rica), càng thua xa Juan Cuadrado (Colombia). 

Bạn có thể xếp Guillermo Ochoa hoặc Keylor Navas vào nhóm đầu bảng trong hàng ngũ thủ môn, còn Iker Casillas vào nhóm cuối cùng. Bạn có thể sổ toẹt những Diego Costa, Oscar, thậm chí á quân Gonzalo Higuain và chỉ muốn có Daley Blind hoặc Bryan Ruiz.

Và nếu bạn mua hoặc bán ngôi sao trên thị trường chuyển nhượng sau những ấn tượng như vậy, đấy có thể là sai lầm lớn, giống như mua một thứ cổ phiếu tại thời điểm nó đang ở mức giá cao nhất và bán loại cổ phiếu ở thời điểm nó đã rớt đến mức giá thấp nhất có thể.

Cứ hỏi Sir Alex Ferguson. Sau khi choáng ngợp trước sự thể hiện của Karel Poborsky ở VCK EURO 1996, Ferguson mua tiền vệ người Czech này với giá 3,5 triệu bảng. Chỉ khoảng 1 năm trước đó, một giáo viên ở Prague vốn là fan ruột của CLB West Ham đã “mách” cho HLV Harry Redknapp biết về “cánh chim lạ” Poborsky và Redknapp mua tiền vệ này từ Slavia Prague về West Ham với giá... 200.000 bảng. 

Nhờ EURO 1996, West Ham bán được Poborsky cho M.U với giá cao gấp 17 lần giá mua, sau 1 năm sử dụng. Vấn đề là ở chỗ: sau khi mua Poborsky thì HLV Ferguson hoàn toàn... vỡ mộng. Cả hai ngôi sao mà ông tuyển dụng sau khi xem Euro 1996 là Poborsky và Jordi Cruyff rút cuộc đều trở thành “của nợ” tại Old Trafford. Hóa ra, chẳng phải ngẫu nhiên mà Ferguson trở thành tác giả của câu nói bất hủ trong bóng đá: “Phong độ là nhất thời, đẳng cấp mới là mãi mãi”.

TỈNH TÁO LÀ HƠN
EURO hay World Cup thì cũng như nhau. Bài học: đừng xem thường các ngôi sao gây thất vọng ở một giải lớn, cũng đừng quá kỳ vọng vào những ngôi sao vừa vươn lên tại sân chơi ấy. Cảm xúc đặc biệt khi được thi đấu ở một giải lớn có thể giúp các cầu thủ tầm thường bất chợt vươn mình thành sao - loại sao chỉ lóe sáng trong một khoảnh khắc. 

Mặt khác, ngôi sao đích thực thường hay trở nên mờ nhạt khi dự giải lớn vì áp lực, vì không còn động cơ thể hiện giá trị của mình, vì quá mệt mỏi sau mùa bóng trước đó, nói chung là vì không được chuẩn bị tốt nhất trong ĐTQG.

Cần thêm dẫn chứng? Cứ nhìn vào Andrei Arshavin sau EURO 2008 và Lionel Messi sau World Cup 2010. Với Messi, World Cup 2010 là cơn ác mộng. Nhưng khi trở về Barcelona, anh vẫn tỏa sáng, vẫn đưa CLB này lên ngôi vô địch ở cả La Liga lẫn Champions League mùa bóng 2010/11. Anh vẫn bảo vệ thành công “Quả Bóng Vàng FIFA”. 

Ngược lại, Arshavin nổi đình nổi đám từ EURO 2008, nhưng mất hút từ khi gia nhập Arsenal. Arjen Robben và Gyan Asamoah là các trường hợp đáng kể khác. Sau World Cup 2010, Sunderland chi số tiền kỷ lục 13 triệu bảng để mua lại ngôi sao Ghana. Một năm sau, Asamoah đã bị đẩy sang U.A.E. Ngược lại, Arjen Robben là ngôi sao gây thất vọng nhất tại EURO 2012. Nhưng ở mùa bóng kế tiếp, anh tỏa sáng trong đội hình vô địch Champions League của Bayern Munich.

Đừng quên rằng Ochoa vừa kết thúc mùa bóng 2013/14 ở CLB rớt hạng Ajaccio (tại giải Ligue 1) và chơi không thành công trong các trận giao hữu trước thềm World Cup trong màu áo Mexico. Khi báo chí Mexico trưng cầu ý kiến thì đa số người hâm mộ nước này muốn thủ môn Jose Corona bắt chính tại World Cup 2014. Cũng đừng quên rằng Iker Casillas và Cristiano Ronaldo đã góp công quan trọng giúp Real Madrid hoàn thành kỳ tích “La Decima”.


(báo bóng đá)